Kinh tế thế giới 2023: Năm mới, thách thức cũ

Thế giới đã bước sang năm 2023, nhưng bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn mang những gam màu ảm đạm của năm cũ. Lạm phát cao dai dẳng, lãi suất tăng, khủng hoảng năng lượng và tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc tiếp tục đeo bám, đẩy thế giới nhích dần tới bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tình hình gần đây không phải không có những tín hiệu khả quan: lạm phát đã xuống thang ở cả hai bờ Đại Tây Dương khi giá dầu thô và khí đốt cùng giảm nhanh; các ngân hàng trung ương lớn đã giảm bớt tốc độ tăng lãi suất; Trung Quốc cũng đã nới lỏng chính sách Zero Covid hà khắc để tiến tới mở cửa hoàn toàn trở lại. Tuy nhiên, những diễn biến này chưa đủ để giới chuyên gia đưa ra những đánh giá lạc quan hơn về “sức khỏe” kinh tế thế giới năm nay.

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG VẪN CỨNG RẮN

Dữ liệu lạm phát công bố gần đây cho thấy tốc độ tăng của giá tiêu dùng đã chậm lại ở cả Mỹ (nơi lạm phát lập đỉnh hơn 4 thập kỷ) và ở châu Âu (nơi lạm phát đạt kỷ lục ở ngưỡng hai con số trong năm 2022).

Tốc độ tăng giá giảm nhanh hơn dự báo trong tháng 12 ở khắp các nền kinh tế châu Âu từ Đức tới Pháp hay Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Giá tiêu dùng ở Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực Eurozone, tăng 5,6% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 6,7% ghi nhận trong tháng 11. Lạm phát ở Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, giảm còn 5,9% trong tháng 12 từ mức 6,2% trong tháng 11. Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, lạm phát tháng 12 là 8,6%, giảm nhẹ so với mức dự báo 9%. Số liệu công bố vào hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực 19 nước sử dụng đồng Euro, tức khối Eurozone, tăng 9,2% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 10,1% ghi nhận trong tháng 11.

Tại Mỹ, CPI tháng 11 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì tăng 7,3% như dự báo của giới phân tích và đã giảm được 2 điểm phần trăm so với mức đỉnh 9,1% thiết lập vào tháng 6.

Nguyên nhân dẫn tới sự giảm tốc của lạm phát là giá năng lượng hạ nhiệt và tác dụng của các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong năm 2022 đã bắt đầu ngấm vào nền kinh tế. Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - giảm hơn 10% trong phiên giao dịch ngày 4/1, còn 64,2 Euro/megawatt giờ, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Mới tháng 8 năm ngoái, giá khí đốt ở TTF đạt mức 340 Euro/megawatt giờ, mức cao nhất mọi thời đại. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London, giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, cũng đã giảm về dưới 80 USD/thùng từ mức đỉnh của 14 năm gần 130 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái.

Tuy nhiên, tốc độ lạm phát như trên vẫn cao gấp vài lần so với mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương lớn đề ra. Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn, dự kiến tiếp tục nâng lãi suất và chưa tính đến việc cắt giảm lãi suất trong năm 2023.

Đối với châu Âu, vấn đề nằm ở chỗ lạm phát toàn phần giảm nhanh nhưng lạm phát lõi giảm chậm. “Châu Âu có thể đã đi qua đỉnh của lạm phát, nhưng vấn đề nằm ở sự dai dẳng của lạm phát lõi. Bởi vậy, một quyết định tăng lãi suất vào tháng 2 là điều chắc chắn”, chiến lược gia Piet Christiansen của Danske Bank nhận định.

Ở Mỹ, biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed công bố vào tuần vừa rồi cho thấy Fed vẫn cam kết đưa lãi suất lên mức cao hơn “trong một thời gian nữa”. “Biên bản cuộc họp của Fed là một lời nhắc nhở đối với nhà đầu tư rằng lãi suất sẽ còn cao trong cả năm 2023. Với thị trường lao động còn thắt chặt, chống lạm phát vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của Fed. Tóm lại, dù đã sang năm mới, những trở ngại của năm cũ vẫn còn nguyên”, ông Mike Loewengart, Trưởng bộ phận xây dựng danh mục của Morgan Stanley Global Investment Office, nhận định.

GIÁ NĂNG LƯỢNG LIỆU CÓ GIẢM BỀN VỮNG

Trong khi đó nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có nhiều dấu hiệu xấu. Theo một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal, trong số 23 định chế tài chính có giao dịch trực tiếp với Fed, hơn 2/3 tin rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Hai định chế khác dự báo suy thoái sẽ xuất hiện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2024.

Tham gia cuộc khảo sát này, những công ty tài chính và ngân hàng đầu tư hàng đầu ở Phố Wall như Barclays, Bank of America, TD Securities, UBS Group… đã chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế Mỹ: người Mỹ đang rút những khoản tiết kiệm mà họ tích lũy được trong thời gian đại dịch để tiêu; thị trường bất động sản đang đi xuống; và các ngân hàng đang thắt chặt tiêu chuẩn cho vay. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ sụt giảm trong năm 2023, dẫn đầu là suy thoái ở cả Mỹ và khu vực Eurozone”, chuyên gia kinh tế của BNP Paribas viết trong báo cáo mang tựa đề “Rơi vào suy thoái”.

Nguồn Báo Đầu tư

Tin cùng chuyên mục