Bất cập chính sách đè nặng doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước

Tình trạng đáng lo ngại hiện nay là văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng, nhiều điểm bất hợp lý, chưa phù hợp, hay trái với thông lệ quốc tế.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2/2023, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ vậy đã đạt được một số kết quả tích cực.

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. “Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục được nhìn nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.

Dẫn chứng là, trong tháng 1/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,7% so với tháng 12/2022. Đồng thời, cả nước có 15,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 146,8% so với tháng 12/2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2023 lên 25,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về thực hiện mục tiêu cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84. Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng điểm mạnh với mức tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm). Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc (UN) duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Ở một số lĩnh vực cụ thể, các tổ chức quốc tế tiếp tục duy trì đánh giá, xếp hạng trong năm 2022 như Quyền tài sản - IPRI (của Liên minh quyền tài sản), Cảm nhận tham nhũng (của Tổ chức minh bạch quốc tế), Hiệu quả quản trị nhà nước (của Ngân hàng thế giới).

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng; do đó kéo theo nhiều tác động xã hội.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn khá phổ biến, nhất là kể từ quý IV/2022. Trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều chỉ tiêu của nước ta cải thiện chưa bền vững, chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ vị trí thứ 70 xuống 72).

Thực trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…) đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật, báo cáo chỉ rõ, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…), vì thế đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư. Mặt khác, tâm lý lo ngại làm sai là tình trạng phổ biến ở các cấp thực thi. Hiện tượng này có thể dẫn tới làm ảnh hưởng đến các kết quả cải cách đã đạt được trong thời gian qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có bất cập chính sách; vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả. Gánh nặng bất cập chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.

Thứ nhất, văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng là tình trạng đáng lo ngại hiện nay. Bất cập chính sách không chỉ đang đè nặng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước.

Thực trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…) đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (năm 2022), đồng thời sửa đổi, bổ sung tương ứng hàng loạt các Nghị định liên quan. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật liên quan chủ yếu giải quyết một số vướng mắc trong phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, đầu tư bằng vốn ODA, một số dự án PPP, dự án xây dựng nhà ở và đô thị; giải quyết một phần vướng mắc về quyền sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại, đô thị,… Những vướng mắc cốt lõi tồn tại từ nhiều năm trước đây cơ bản vẫn còn nguyên và thậm chí chưa có phương án giải quyết.

Thứ hai, bất cập chính sách cũng thể hiện qua những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp, hay trái với thông lệ quốc tế của quy định pháp luật.

Đơn cử như Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định: Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt (áp dụng từ 15/3/2017) và Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15/3/2018). Theo phản ánh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; trong khi không đạt hiệu quả quản lý, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho một bộ phận người dân (những người đủ hoặc thừa i-ốt nếu dùng thực phẩm bổ sung i-ốt sẽ tăng nguy cơ bệnh cường giáp).

Thứ ba, quy định về điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp. Thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý.

Thời gian gần đây, do một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke, dẫn tới công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp.

Sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cần khơi dậy động lực cải cách của chính quyền địa phương.

“Môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi”, báo cáo nêu rõ.

Cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP (tại khoản b, điểm 4, mục II).

Việc Chính phủ gộp Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội.

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau:

a) Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.
b) Phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.
c) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu.
d) Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.
đ) Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu.
e) Hiệu quả logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc.
g) Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu.
h) An toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc.

Báo Đầu tư

Tin cùng chuyên mục