Cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Doanh nghiệp kiến nghị cần có những chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình.

Dù được đánh giá là yêu cầu tất yếu, tuy nhiên thực tế kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất; tỉ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi của Công ty CP chăn nuôi T&T 159.

Quy định cứng nhắc là “rào cản”

Đáng lưu ý, chia sẻ góc nhìn về kinh tế tuần hoàn (KTTH) từ những kinh nghiệm thực tiễn, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng KTTH không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu.

“KTTH là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. KTTH là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn, các mô hình này không bị trói buộc bởi 1 khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình KTTH là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế”, ông Thắng nhận định.

Theo đại diện Hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuần hoàn không bị trói buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ, ở đây tư duy thiết kế là quan trọng nhất.

Do đó, ông Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu quy định hàng lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo để đổi mới sáng tạo thực sự đi vào đời sống xã hội, có cơ chế cho câu chuyện thí điểm, thử nghiệm, đánh giá và tổng kết các mô hình đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cần có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Ông cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình cho các trung tâm vùng lõi do các doanh nghiệp dẫn dắt.

Cũng đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Bắc, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam bộ đề xuất, đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật.

Chú trọng khoa học kỹ thuật

Theo đó, TS Nguyễn Văn Bắc tập trung nhấn mạnh hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. TS. Nguyễn Văn Bắc cho rằng ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý và quy trình chăn nuôi tuần hoàn, phát thải các-bon thấp và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang manh nha phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. TS. Nguyễn Văn Bắc dẫn ví dụ về trùn quế, “1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao”.

"Cục Chăn nuôi mới công bố thêm ruồi lính đen - một loài vật nuôi khác được phép sử dụng trong chăn nuôi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy 1 kg ấu trùng ruồi lính đen có khả năng xử lý 10 kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Phân và ấu trùng ruồi lính đen được nhận định là nguồn nguyên liệu đầu vào hiệu quả. Đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về yến sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong quá trình nuôi yến, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển ruồi lính đen trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn", TS Bắc chia sẻ.

Về quản lý chính sách, TS. Nguyễn Văn Bắc đưa ra một số đề xuất, cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn, cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật nhằm phục vụ chăn nuôi tuần hoàn.

Đặc biệt, để đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp, vị Chuyên gia cho rằng Bộ NN&PTNT cần có những buổi đối thoại doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để có thể nắm bắt thông tin và điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn. Các cơ quan, doanh nghiệp phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho biết, Tập đoàn Mavin đã xây dựng được một mô hình tuần hoàn được triển khai tại 3 tỉnh hướng tới các hoạt động chăn nuôi lợn và hướng tới được triển khai tại Gia Lai, Nghệ An và Đồng Tháp.

Mô hình của Tập đoàn Mavin tập trung vào cả lợn nái cũng như lợn thịt và áp dụng công nghệ cao và các công nghệ về chuyển đổi số. Cùng với đó, hướng đến quản lý nước, kiểm soát chất thải và sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường như điện mặt trời áp mái hay các công nghệ biogas và nguồn thức ăn đầu vào được quản lý chặt chẽ, khoa học. Đồng thời, Tập đoàn Mavin cũng có nhà máy để sản xuất các loại thức ăn để phục vụ cho hoạt động chăn nuôi. Ngoài ra, cũng có nhà máy để thu gom các loại chất thải, phế phẩm của hoạt động chăn nuôi để sản xuất phân bón cho cây trồng.

“Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống quản lý và quy trình kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, khép kín. Mục tiêu mà Tập đoàn Mavin đang hướng tới là phát triển ngành chăn nuôi phát thải các-bon thấp và thân thiện với môi trường. Dự kiến đến năm 2025, Tập đoàn Mavin sẽ sản xuất ra 1 triệu con lợn sạch mỗi năm”, ông David cho biết.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục