Hút dòng vốn FDI vào năng lượng tái tạo: “Chất xanh” sẽ song hành cùng chất xám

ENTERNEWS.VN Dòng vốn FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ nên hiểu là “chất xanh” – đó là tiền, mà còn có cả chất xám, tức là con người mới, tư duy mới, đào tạo khoa học mới.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp về câu chuyện thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo được Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam chia sẻ.

- Ông bình luận thế nào về xu hướng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tập trung vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Theo tôi, Việt Nam cần quan tâm và tạo điều kiện cho dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này, bởi:

Với dòng đầu tư trong nước, khi các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng như gió, mặt trời… đều phải đi vay vốn ngân hàng. Vốn của các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng được 30% dự án là vô cùng khó.

Các nguồn vốn vay tại Việt Nam thường là vay ngắn hoặc trung hạn. Trong khi đó, để đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư về năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời thì phải cần đến dòng vốn dài hạn. Doanh nghiệp trong nước có “chịu đựng” nổi hay không với lãi suất cao, kèm theo thủ tục vay phức tạp.

Với năng lượng tái tạo, cần phải xây dựng chính sách “dài hơi”. Về đấu giá, phải có cơ sở cần và đủ để đấu giá điện. Về nguồn vốn, hãy để ngân hàng tự quyết định với doanh nghiệp. Đặc biệt, chính sách ban hành không được để doanh nghiệp trục lợi và lợi dụng chính sách.

Do đó, việc quan tâm đến dòng vốn FDI đầu tư vào năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Bởi vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang tiền vào đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường có nhiều kinh nghiệm hơn các doanh nghiệp trong nước về quản lý và điều hành dự án.

- Theo ông, dòng vốn FDI sẽ “kích hoạt” như thế nào cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ kích hoạt rất nhiều cho sự phát triển của đất nước. Thứ nhất, dòng vốn FDI thường là của các công ty lớn, đa quốc gia mang vào Việt Nam. Họ sẽ đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến đến Việt Nam. Thứ hai, công nhân, kỹ sư phục vụ cho dự án trong nước sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và học hỏi từ những công nghệ cao này. Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước sẽ học hỏi được cách quản lý, điều hành từ dòng vốn này.

Từ các cơ hội trên sẽ tạo ra “cú hích” trong quản lý, đào tạo và phát triển cho Việt Nam. Chính vì vậy, dòng vốn FDI vào Việt Nam không chỉ nên hiểu là “chất xanh” – đó là tiền, mà còn có cả chất xám, tức là là đào tạo, con người mới, tư duy mới, đào tạo khoa học mới cho những công nhân, kỹ sư trong nước đang phục vụ cho các tập đoàn lớn đó.

- Việc các nhà đầu tư ngoại “nhộn nhịp” đổ vốn vào ngành năng lượng, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vậy lĩnh vực này tại Việt Nam có điểm gì hấp dẫn các nhà đầu tư như vậy, thưa ông?

Việc các nhà đầu tư nước ngoài “nhộn nhịp” đổ vốn vào Việt Nam thường đi theo hai phương án. Thứ nhất, tất cả nguồn năng lượng hóa thạch, nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường đang được cả thế giới dần thu hẹp lại. Kể cả điện hạt nhân tại những nước phát triển cũng đang hạn chế sử dụng.

Thứ hai, năng lượng tái tạo ít gây ô nhiễm môi trường, đây cũng là xu thế của thế giới thì mặc nhiên Việt Nam cũng phải đi theo. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang quan tâm nhiều đến năng lượng tái tạo, bởi vì họ là những nhà kinh tế giỏi, nhà hoạch định chính sách tốt. Họ đưa ra những bài toán trong tương lai cho Việt Nam rất sát với những đánh giá của Việt Nam.

Họ nhìn nhận, trong tương lai gần, Việt Nam muốn phát triển và vươn lên thành một nước hùng cường, có thu nhập trên 10.000 USD vào năm 2045 thì buộc phải phát triển về khoa học công nghệ có liên quan đến tiêu thụ năng lượng lớn.

- Thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng sẽ phải đối mặt với cả lợi ích lẫn nguy cơ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nguy cơ lớn nhất mà nhiều ý kiến lo ngại là sau khi hết hạn sử dụng các tấm pin quang điện sẽ xử lý như thế. Liệu có phải mang lên gửi trên “mặt trăng” hay để “phơi bò một nắng”? lo lắng nay theo tôi cũng đúng, tuy nhiên chúng ta cần hiểu kỹ hơn, tất cả các hãng sản xuất ra tấm pin quang điện, như Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản… sau khi bán cho các công ty xây dựng nhà máy sản xuất điện đều có những hợp đồng vô cùng “chắc chắn”, đó là thu hồi lại các tấm pin đã hết hạn để tái sử dụng.

Nguy cơ thứ hai là lo lắng doanh nghiệp trong nước sẽ bị mất “miếng bánh ngon”, các doanh nghiệp trong nước không có cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là một cuộc cạnh tranh công bằng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước khi đầu tư vào lĩnh vực này cũng phải lập dự án, làm dự án. Muốn đầu tư thì phải có tài chính và nguồn vốn.

Chúng ta không thể giữ tư duy “dải chiếu ăn phần” hay “đếm cua trong lỗ”, chỉ muốn ưu ái cho các nhà đầu tư Việt Nam. Thực tế, đến thời điểm này các doanh nghiệp Việt Nam đã làm được bao nhiêu dự án điện mặt trời, điện gió? Đã làm “hết mình” chưa hay cũng chỉ làm dự án rồi lại đem đi bán dự án.

Tin cùng chuyên mục