KHẢO SÁT DDCI: THAY ĐỔI TƯ DUY PHỤC VỤ

Những năm qua, kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành (DDCI) đã giúp các sở, ngành, huyện, thành phố nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu để chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Khảo sát, đánh giá DDCI là hoạt động cần thiết để phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiếng nói của doanh nghiệp

Tuyên Quang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành (DDCI) với mục tiêu không ngừng cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương, tạo động lực thực hiện cải cách thường xuyên, liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Tỉnh tiên phong trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư “đo lường” bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở. Chính việc đổi mới liên tục trong cách tiếp cận doanh nghiệp, vấn đề doanh nghiệp quan tâm đã giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo bứt phá trong cải cách hành chính.

DDCI - công cụ “đo lường” giúp các sở, ngành, huyện, thành phố sửa điểm chưa hài lòng của người dân và doanh nghiệp, hướng tới phục vụ tốt hơn. Đó là lý do 7 năm qua, tỉnh luôn cập nhật, điều chỉnh các tiêu chí, chỉ số thành phần trong bộ chỉ số DDCI bám sát với các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Điều này thể hiện sự cầu thị nhằm hoàn thiện, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI, được thể hiện ở thay đổi trong cấu trúc phiếu khảo sát DDCI của tỉnh qua các năm. Giai đoạn 2015 - 2018, phiếu khảo sát tập trung vào chất lượng của bộ phận một cửa và thủ tục hành chính; giai đoạn 2019 - 2021, các vấn đề mới được đưa vào khảo sát như: vấn đề tiếp cận đất đai, an ninh trật tự, xây dựng và thực thi pháp luật, cạnh tranh bình đẳng...

Năm 2022 là năm thứ 8 tỉnh triển khai thực hiện khảo sát, đánh giá DDCI. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Khảo sát DDCI năm 2022 sẽ có sự tham gia của 37 đơn vị gồm: 7 huyện, thành phố và 30 sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Đối tượng tham gia khảo sát khoảng 1.900 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khảo sát thực hiện 100% hoàn toàn trực tuyến trên webstie tại địa chỉ https://ddci.tuyenquang.gov.vn/với hệ thống giao diện trực quan, dễ sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia trả lời phiếu khảo sát. So với khảo sát DDCI năm 2021, thì năm nay tăng 1.200 phiếu, đối tượng mở rộng ra hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài Hiệp hội. Chương trình khảo sát dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 10 - 25 tháng 12-2022. Phần mềm khảo sát được thực hiện độc lập.

Cán bộ Hải quan Tuyên Quang tiếp nhận thủ tục hành chính trực tuyến.

Ông Đặng Đình Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản và Công nghệ Hải Nam, đơn vị giúp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện khảo sát DDCI năm 2022, cho biết: “Kết quả khảo sát minh bạch, chính xác và bảo mật. Không đơn vị nào có thể can thiệp vào kết quả khảo sát. Đó là ưu điểm phần mềm khảo sát DDCI đơn vị cung cấp cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Đơn vị đã chuẩn bị nhân sự, chuyên gia trợ giúp, hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đánh giá chính xác, bảo mật với mã riêng từng đơn vị”.

Thay đổi tư duy phục vụ

Qua 7 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh và Kế hoạch khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư và kinh doanh cấp huyện, các sở, ngành đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền tại mỗi sở, ban, ngành, các huyện, thành phố thay đổi tư duy từ việc quản lý Nhà nước sang phục vụ, đồng hành, kiến tạo, đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tư duy của cán bộ, công chức huyện Sơn Dương đã thay đổi tích cực, chuyển từ tâm lý quản lý sang chủ động phục vụ. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, qua phân tích, đánh giá, địa phương nhận thấy, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và tính minh bạch, tiếp cận thông tin chưa cao là do chưa làm tốt công tác công khai, công bố các quy hoạch; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trong hoạt động... Xác định rõ hạn chế này, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng liên quan cập nhật, công khai tất cả quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết dự án... trên Cổng thông tin điện tử huyện và trang thông tin của Trung tâm xúc tiến Đầu tư của tỉnh. Lãnh đạo huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện cho doanh  nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Lắng nghe, thay đổi tư duy phục vụ đang được các sở, ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện với việc tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, công khai quy hoạch đất, quy hoạch đô thị, các dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải đáp thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp... Những thay đổi tích cực đó hướng tới cách phục vụ chủ động, góp phần đưa tỉnh 8 lần liên tiếp vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng PCI với kết quả năm 2021 ở vị trí 29/63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có đến 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2020, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường tăng gần 1 điểm, tiếp cận đất đai tăng 0,6 điểm; tính minh bạch tăng gần 1 điểm, chi phí không chính thức tăng gần 2 điểm, tính năng động của chính quyền tỉnh tăng 1,3 điểm...  

Minh chứng rõ nét của sự thay đổi môi trường đầu tư là từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút 36 dự án đầu tư với số vốn gần 26 nghìn tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Ông  Yoon Sungbae, Giám đốc điều hành Công ty Chunghak F&C (Hàn Quốc) cho biết, từ khi tìm hiểu và cho đến thực hiện các thủ tục xin đầu tư luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, trợ giúp của Ban Điều phối Dự án có vốn đầu tư nước ngoài, huyện Sơn Dương, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) với số vốn 3 triệu USD đang được gấp rút xây dựng, phấn đấu vào sản xuất năm 2023.

Từ kết quả trên cho thấy, khảo sát DDCI năm 2022 rất cần thiết để chính quyền các cấp trong tỉnh nhìn nhận lại kết quả điều hành một năm, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm còn hạn chế. Qua đây, cũng khẳng định được vai trò “cầu nối” doanh nghiệp với chính quyền của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh có biện pháp điều hành, quản lý hợp lý, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục