“Xông đất” doanh nghiệp

Năm mới đến mang theo bao khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh hướng về tương lai phía trước với mục tiêu chung “Doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển”.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Tuy nhiên, trong khó khăn tinh thần doanh nhân Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Được sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, các doanh nghiệp đã đổi mới sáng tạo, kết nối với các thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh các thị trường truyền thống bị đứt gãy do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Đầu năm mới, chúng tôi “xông đất” Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG được chứng kiến không khí lao động hăng say của công nhân, người lao động tại các tổ may. Công việc diễn ra thật khẩn trương nhưng ở mỗi người vẫn toát lên niềm vui từ ánh mắt, nụ cười bởi có việc làm và thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa phấn khởi cho biết, ngay trong đầu năm mới này, công ty đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng 2 hiện đại bậc nhất trên địa bàn tỉnh với sức chứa trên 2.000 công nhân. Hiện tại, công ty tạo việc làm cho 400 lao động, thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Công nhân làm việc tại công ty được hưởng lương theo sản phẩm, càng siêng năng làm việc, tay nghề càng cao thì thu nhập càng cao. Công ty còn hỗ trợ người lao động các khoản phụ cấp như chuyên cần, xăng xe, hỗ trợ nuôi con nhỏ... tạo động lực để người lao động phấn khởi, yên tâm làm việc. Chị Tạ Kim Hảo, làm việc tại tổ may 5 phấn khởi nói, chị vào làm ở công ty được 10 tháng, nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, mức lương của chị đã đạt 6 triệu đồng/tháng. Chị mới lập gia đình, có công việc ổn định, chị rất yên tâm. Còn chị Nịnh Thị Bình, thôn 10, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) cho biết, chị từng đi làm ở nhiều khu công nghiệp nhưng xa nhà, giờ làm tại công ty này thuận lắm, bởi đi lại thuận lợi, chịu khó làm thì có thu nhập cao. Chị mong năm mới này, công ty tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, các nước EU. Thời gian vừa qua, công ty còn sản xuất cả khẩu trang xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, người lao động rất phấn khởi.

Đầu năm mới này, công nhân Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang rất phấn khởi khi mức thu nhập tăng thêm khoảng 1 triệu đồng, từ 9 triệu đồng lên trên 10 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cho rằng, năm nay công ty mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, liên kết với các chủ đầu tư, nhà thầu để tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 945.000 tấn xi măng, đạt 110% kế hoạch, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 45 tỷ đồng/năm. Bước sang năm 2021, cùng với việc kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, công ty chú trọng ứng dụng khoa học trong xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động trên 11 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 48 tỷ đồng.

Trong dịp chào năm mới 2021, Công ty cổ phần Giấy An Hòa tổ chức hội nghị khách hàng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa chia sẻ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công ty tổ chức hội nghị khách hàng nhằm chú trọng khai thác thị trường tiêu thụ nội địa, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không bị đứt gãy, ổn định việc làm cho người lao động. Năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của công ty vẫn đạt 3.100 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đã đề ra, nộp ngân sách Nhà nước trên 120 tỷ đồng, ổn định việc làm cho trên 800 lao động, thu nhập tăng từ 7 triệu lên 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, công ty tiếp tục hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng nhà máy mới công suất 150 nghìn tấn bột giấy/năm, phấn đấu doanh thu trên 3.200 tỷ đồng.

Các công ty chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh ngoài việc kết nối lại với các thị trường truyền thống đã chú trọng khai thác thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm. Chị Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với các công ty chế biến lâm sản, bởi thị trường xuất khẩu nước ngoài bị đóng băng, do đó, công ty đã bám nắm các dự án, chương trình phát triển kinh tế của các địa phương để tổ chức sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Ngay từ đầu năm mới này công ty khởi động kết nối với các bạn hàng, liên kết chặt chẽ với người trồng rừng bảo đảm nguồn nguyên liệu hoạt động sản xuất hiệu quả. Công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục để mở rộng quy mô nhà máy thêm 30 ha, ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến lâm sản của cả nước.

Năm 2021 dẫu còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng bằng nội lực và sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp luôn đồng hành cùng tỉnh để thực hiện mục tiêu chung, xuyên suốt đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục