Một số kết quả trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm phát triển công nghiệp; hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, từng bước hiện đại.

Về sản xuất công nghiệp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; lập quy hoạch mới 06 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.000 ha, nhằm tạo ra sự bứt phá về phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao, công nghệ hiện đại, phù hợp với thị trường và thân thiện với môi trường như công nghiệp năng lượng: Thủy điện, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời; công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến gỗ, dược phẩm; dự án về cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng mới, dệt may, da giày,... góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn hơn nữa vào ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, biến động của thị trường,… đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh được duy trì ổn định và tiếp tục tăng trưởng; hoạt động kinh doanh, sản xuất của các nhà máy sản xuất có quy mô lớn: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy sản xuất gang thép, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Woodsland, nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Chiêm Hóa, các nhà máy may, nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu Tuyên Quang... Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sản xuất 13 dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm như: Nhà máy thủy điện Sông Lô 8A, 8B, 7; Nhà máy sản xuất vải bạt nhựa PE; Nhà máy sản xuất cột bê tông và sứ cách điện; Nhà máy sản xuất gia công thiết bị tai nghe; Nhà máy sản xuất kinh doanh bao bì PP và thiết bị bao bì; Nhà máy bê tông, sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Năng Khả, huyện Na Hang; Nhà máy chế biến gỗ Woodsland tại Chiêm Hóa; Nhà máy sản xuất, chế biến nông sản JW; Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại khu công nghiệp Long Bình An; Nhà máy sản xuất kinh doanh các loại bao bì container; Nhà máy bê tông, sản xuất vật liệu xây dựng tại Cụm công nghiệp An Thịnh, huyện Chiêm Hóa; Nhà máy gach Tuynel công nghệ cao Tuyên Quang...; thu hút được nhiều doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh, sản xuất công nghiệp và khai thác kinh doanh hạ tầng kỹ thuật 02 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2020.

Về du lịch, thương mại, dịch vụ

Triển khai thực hiện nghị quyết, đề án về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030. Tập trung khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm... Tích cực triển khai các biện pháp kích cầu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch của tỉnh; tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thu hút khách du lich, nổi bật là tổ chức thành công Chương trình khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ I, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận kỷ lục Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lớn nhất Việt Nam; tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và Lễ hội Thành Tuyên…; đặc biệt, Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình duy nhất của Việt Nam, đứng thứ 5 trên 11 công trình của Châu Á đạt giải thưởng “Phong cảnh thành phố Châu Á - tinh hoa của núi rừng". Năm 2022 thu hút trên 2,3 triệu lượt khách, đạt 104% kế hoạch; doanh thu xã hội từ du lịch trên 2.475 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch.  

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, từng bước hiện đại

 Ban hành, triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở; triển khai các giải pháp xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, chính quyền điện tử; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung. Ban hành nghị quyết, đề án chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại. Huy động, thu hút nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tập trung đầu tư các hạ tầng quan trọng; trong 2 năm 2021-2022 tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 26.000 tỷ đồng, năm 2022 đạt trên 13.900 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021 và tăng 30% so với năm 2020; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn so với GRDP đạt 33,3%. Triển khai các công trình, dự án trọng điểm như: đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang); đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đến thị trấn Yên Sơn; đường ĐT 188; đường trục phát triển các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn; Bảo tàng Tân Trào, Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; Bệnh viên đa khoa tỉnh, trường THPT Chuyên tại địa điểm mới;… Triển khai đề án thực hiện Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2022, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 480,2/450 km đường giao thông nông thôn và 77/77 cầu trên đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển.     

Đẩy mạnh Chương trình phát triển đô thị, triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư, khu chức năng và kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, kế hoạch sử dụng đất,... xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang định hướng đô thị loại I, đô thị xanh, đô thị thông minh; phát triển các đô thị động lực theo quy hoạch, kế hoạch. Hoàn thành điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình; thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình; thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn...; tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt 24,3%./.

B.H-Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang 

 

Tin cùng chuyên mục