Ngày 20-6, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 22.

Ngày 20-6, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 22.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ 22.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Tạo bước đột phá

Hội nghị đã thảo luận về Dự thảo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng trong du và miền núi phía Bắc, tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Dự thảo đề ra các giải pháp, trong đó tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển và liên kết vùng được coi là quan trọng, Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đổi mới tư duy phát triển, nhất là liên kết vùng, về cơ chế, chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực và tiềm năng. Đồng thời, giải quyết những vấn đề quan trọng của tỉnh trong mối quan hệ vùng để tạo ra động lực phát triển. Cùng với đó là các giải pháp phát triển bền vững các ngành kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, chương trình hành động phải phấn đấu cao hơn các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, nhưng phải có tính khả thi. Đối với các chỉ tiêu phát triển phải bổ sung chỉ tiêu thu nhập bình quân từ rừng; đào tạo lao động phải xác định rõ đào tạo nghề gì. Việc xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ có cung ứng cây giống mà còn phải nhiều lĩnh vực khác để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tập trung thực hiện chứng chỉ rừng các bon. Các ngành chức năng, thành phố Tuyên Quang chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên, rà soát các tour tuyến phát triển du lịch. Đối với phát triển hạ tầng giao thông kết nối tập trung mở mới tuyến đường từ xã Tam Đa (Sơn Dương) đến thành phố Tuyên Quang kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường từ huyện Hàm Yên (từ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang) đi huyện Chiêm Hóa đến huyện Na Hang kết nối với lòng hồ Na Hang và hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn… để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ trong giai đoạn mới.

Nâng cao chỉ số PCI

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Các ý kiến đề nghị cần tập trung cải thiện các chỉ số giảm điểm trong năm 2021 như đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian. Chỉ rõ nguyên nhân các chỉ số thành phần còn thấp để có giải pháp khắc phục.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho ý kiến về phương án quy hoạch Quảng trường Nguyễn Tất Thành, giai đoạn 2.

Về vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là vấn đề được tỉnh chú trọng thực hiện trong thời gian qua, mục tiêu tiếp tục triển khai, bổ sung các giải pháp mới để xây dựng môi trường thu hút đầu tư minh bạch, hấp dẫn. Đây là yếu tố quan trọng, phải quyết liệt thực hiện để tỉnh ta trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 20- 25 tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. UBND tỉnh, các cơ quan chức năng rà soát các chỉ số thành phần cụ thể để có hướng khắc phục hạn chế. UBND tỉnh là đầu mối để kiểm soát việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí thời gian; thực hiện minh bạch các chính sách để nâng cao chỉ số cạnh tranh lành mạnh. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố chịu trách nhiệm về những các lĩnh vực phụ trách để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Hội nghị cho ý kiến về phương án quy hoạch Quảng trường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư năm 2022, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà  nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý với kế hoạch này, giao UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết của  HĐND tỉnh và nhiều nội dung quan trọng khác.

Baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục