PCI 2021: Nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh

Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.

Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được VCCI tổ chức sáng nay (27/4), tại Hà Nội.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Lễ Công bố.

Phát biểu tại Lễ Công bố PCI hôm nay Chủ tịch VCCI khẳng định PCI đã trải qua gần 2 thập kỷ qua thực hiện sứ mệnh quan trọng, đó là “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp”.

Theo Chủ tịch VCCI, khảo sát PCI 2021 đã diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước phải gồng mình chống chịu những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trong bối cảnh khó khăn ấy, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và các chính quyền địa phương đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm “vượt bão” COVID-19. Có thể nói, doanh nghiệp trên cả nước đã dồn toàn lực để vượt khó và chủ động thích ứng để tồn tại qua đại dịch.

Năm 2022 có thể vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những “cánh én mùa xuân” đã về. Nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào cuộc sống “bình thường mới” sau khi kiên cường và nỗ lực vươn lên từ khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã giúp nền kinh tế nước ta đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong quý I năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I năm 2022 có nhiều tín hiệu lạc quan khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế của các doanh nghiệp tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong quý I đạt mức cao nhất các năm từ 2018 đến 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt đã tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 12,9%

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, cải cách thể chế vẫn luôn là một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện song hành với các công cụ tài khóa và tiền tệ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại hội lần thứ VII của VCCI vào ngày 31/12/2021 rằng: “Trong thời gian tới, không chỉ sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp nước ta phải cạnh tranh được với sản phẩm, hàng hoá của các nước khác mà chất lượng pháp luật, thủ tục hành chính, sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta cũng phải cạnh tranh được với các quốc gia khác”.

Phát biểu của Thủ tướng thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua đó là tăng cường các nỗ lực cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần được thực thi xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương. Việc cải thiện môi trường kinh doanh là động lực quan trọng và là một trong những “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm sắp tới. Cũng xin nói thêm là trong phát biểu chỉ đạo rất tâm huyết tại Đại hội VCCI, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá rất cao việc VCCI tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố PCI, Thủ tướng ghi nhận đây là một sáng kiến đã đóng góp rất tích cực vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp,

các lãnh đạo bộ ngành, cùng lãnh đạo địa phương.

Cũng theo Chủ tịch VCCI việc công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

“Đây cũng là hoạt động của VCCI thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong các nghị quyết thường niên của Chính phủ về nhiệm vụ công tác đầu năm, thường mang số là Nghị quyết 02 trong đó có yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (trước đó là các nghị quyết mang số 19/NQ-CP). Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới nhất mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ngày 10/1/2022 đã giao nhiệm vụ cho VCCI “tiến hành điều tra và công bố thường niên chỉ số PCI; kết hợp, lồng ghép đánh giá kết quả và tác động của Nghị quyết.”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Quyết định 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/02/2022 về Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng đã đưa PCI là một chỉ tiêu chính để đánh giá kết quả cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố. Điều này nhấn mạnh vai trò ngày một quan trọng của PCI như một công cụ hữu hiệu để đo lường chất lượng điều hành kinh tế và thúc đẩy các cải cách hành chính ở cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng luôn lấy chỉ số PCI là một cơ sở quan trọng trong quyết định chọn lựa địa điểm đầu tư.

“Nhận thức được ý nghĩa của PCI trong việc thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, VCCI đã nỗ lực thực hiện các hoạt động khảo sát và đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh một cách khách quan, khoa học, theo sát những chuyển biến về chính sách, pháp luật và môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nói.

Dù gặp vô vàn trở ngại do dịch COVID-19, khảo sát PCI 2021 vẫn nỗ lực thu thập được phản hồi từ hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1,2 ngàn doanh nghiệp FDI.

Toàn cảnh Lễ công bố PCI.

Thông tin thêm về báo cáo PCI 2021, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh qua thời gian. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn.

“Dù bối cảnh dịch bệnh, khảo sát doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố. Chẳng hạn như chi phí không chính thức tiếp tục giảm trong nhiều thủ tục liên quan đến doanh nghiệp hay thủ tục hành chính tiếp tục được doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện nhờ công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ. PCI 2021 cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục cải thiện như: cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh; cải thiện việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp hay triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế…”, lãnh đạo VCCI thông tin.

Cùng với đó, Báo cáo PCI 2021 cũng cung cấp những đánh giá tương đối lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam của các doanh nghiệp FDI. Những nội dung cụ thể sẽ được đại diện nhóm nghiên cứu cung cấp chi tiết trong các bài trình bày ngay sau đây.

PCI 2021 công bố ngày hôm nay là năm thứ 17 liên tiếp, kể từ năm 2005. 17 năm vừa qua là 17 năm của sự bền bỉ, nỗ lực, 17 năm của những đánh giá khách quan, trung thực và 17 năm hành động để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

“Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng năm nay. Chúc mừng Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội và Quảng Ninh… nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có xếp hạng PCI cao nhất lần này. Chúc mừng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí thứ nhất PCI năm thứ năm liên tiếp”, Chủ tịch VCCI gửi lời chúc mừng tới các tỉnh thành phố dẫn đầu PCI năm nay.

Năm 2022 được dự đoán là năm vượt khó, là năm “bước ngoặt” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022 là năm vượt khó, là năm “bước ngoặt” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022 cũng là năm cần “thắp lửa” cải cách, tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn trong những năm sắp tới. Kỳ vọng ấy chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan Nhà nước ở trung ương, địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hợp tác và nỗ lực của tất cả các bên, năm 2022 sẽ đem lại “sức sống mới” cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng. VCCI cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ và chính quyền các địa phương”, Chủ tịch VCCI nói.

Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh lễ công bố PCI 2021 hôm nay diễn ra vào một ngày đặc biệt với VCCI, ngày hôm nay - 27/4, là ngày kỷ niệm 59 năm ngày thành lập và cũng là ngày truyền thống của VCCI. 59 năm đồng hành và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, của cộng đồng doanh nghiệp.

“Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi kỳ vọng PCI không chỉ là một công cụ tin cậy để thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi hóa môi trường kinh doanh mà PCI còn hướng đến thúc đẩy các sáng kiến mới như kinh tế xanh, đầu tư xanh, chuyển đổi số hay nhiều vấn đề phát triển bền vững khác ở cấp tỉnh. Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển của PCI sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của tất cả quý vị”, Chủ tịch VCCI nói.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục