Quốc hội thông qua 6 luật, 13 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 4

Sau 21 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm đúng quy định với việc thông qua 6 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chiều 15/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Thông tin trên được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4 chiều 15/11.

Tham dự họp báo có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội…

Thông báo nhanh kết quả Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà nêu rõ, về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đồng thời, thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô.

Ngoài ra, Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà thông báo nhanh kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại buổi họp báo. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng.

Cụ thể, Quốc hội xem xét các báo cáo về kết quả kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; biểu quyết thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Về công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Trần Sỹ Thanh và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể do đã nhận nhiệm vụ khác. Đồng thời, bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Ngô Văn Tuấn, phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 với bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Nguyễn Văn Thắng.

Về giám sát tối cao, trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực: xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là các vấn đề mang tính thời sự, được cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, và đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.

Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Trong phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về kéo dài thời thời hạn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14; quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội dung về bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong thời gian diễn ra Kỳ họp, đã có hơn 400 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, địa phương và cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam tham gia đưa tin về các nội dung của Kỳ họp.

Qua công tác tổng hợp thông tin báo chí tại Kỳ họp cho thấy, đa số các cơ quan thông tấn, báo chí đã rất quan tâm, tăng thời lượng tin, bài, phát sóng trong thời gian diễn ra kỳ họp; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phản ánh đậm nét, sinh động và hiệu quả về chương trình nghị sự của Quốc hội tại kỳ họp tới cử tri cả nước và ngược lại đưa ý kiến cử tri tới nghị trường…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tại họp báo, đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã trả lời làm rõ một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, cho ý kiến, chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 như: tự chủ bệnh viện, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô, việc bổ sung thông tin “Nơi sinh” vào trang nhân thân của hộ chiếu, biến động giá xăng dầu thời gian qua, giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Theo Nhân Dân

Baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục