Chương trình Cà phê doanh nhân - 5 năm một chặng đường

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc là: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2008, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang đứng ở mức trung bình thì liên tiếp trong 2 năm 2009 và 2010, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Tuyên Quang đã vươn lên ở mức khá và Tuyên Quang được xếp ở vị trí thứ 35 trong cả nước. Điều đáng nói trong số 27 tỉnh thành phố đạt mức khá trong bảng xếp hạng năm 2010, Tuyên Quang đứng ở vị trí thứ 9. Tuy nhiên, năm 2012 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang đã bị tụt so với những năm trước với 4,16 điểm và xếp thứ 61 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng trong Top các tỉnh có chỉ số PCI tương đối thấp. Đặc biệt năm 2013, nằm ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng PCI. Từ thực tế đó, Tỉnh ủy, đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33 về hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó, cải cách thủ tục hành chính là giải pháp được đặc biệt quan tâm. Năm 2014, tỉnh Tuyên Quang đã tăng 13 bậc trong bảng xếp hạng, vươn lên đứng thứ 50 trong 63 tỉnh, thành phố; điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố với 6,22 điểm; Và từ đó chỉ số PCI của tỉnh tăng đều qua các năm. Năm 2017, Tuyên Quang xếp ở vị trí 39/63 tỉnh thành (tăng 6 bậc so với năm 2016), tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2018, xếp ở vị trí 34/63 tỉnh thành (tăng 5 bậc so với năm 2017).

Năm

Chỉ số thành phần

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Gia nhập thị trường

6.70

7.36

7.94

7.85

8.29

7.99

Tiếp cận đất đai

6.05

4.90

6.07

6.25

6.06

6.28

Tính minh bạch

5.09

5.44

5.68

6.27

6.59

6.76

Chi phí thời gian

5.15

5.22

5.36

5.82

5.79

6.24

Chi phí không chính thức

4.33

4.54

5.40

5.26

4.58

5.39

Cạnh tranh bình đẳng

4.40

5.02

5.19

5.97

4.91

7.09

Tính năng động

4.34

4.59

4.73

4.75

5.10

5.54

Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp

4.02

5.13

4.96

4.65

6.13

5.64

Đào tạo lao động

5.18

6.35

6.28

6.33

6.72

6.34

Thiết chế pháp lý

5.55

6.57

5.83

4.67

5.95

7.09

Điểm tổng hợp PCI

48.98

55.20

56.81

57.43

61.51

63.01

Xếp hạng

63

50

48

45

39

34

Bảng thống kê 10 chỉ số thành phần PCI

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tuyên Quang đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội, dự án đầu tư cụ thể,… nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Vì vậy, trong những năm qua, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khuyến khích, cụ thể:

- Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DCI) và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

 Triển khai việc chuyển đổi xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục ứng dụng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại (từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã), xây dựng quy trình thực hiện đảm bảo thống nhất việc giải quyết thủ tục hành chính các cấp theo thẩm quyền; duy trì việc trực giải quyết thủ tục hành chính vào ngày thứ 7 hàng tuần. Đến nay, có 42/42 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 theo quy định và đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút gắn hơn thời gian và bỏ bớt những thủ tục không thực sự cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Duy trì thông tin đường dây nóng, hòm thư góp ý để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo PCI của tỉnh đã phối hợp với Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh xây dựng, tiến hành khảo sát và công bố chỉ số đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh (DCI) (Bộ Chỉ số DCI được xây dựng và khảo sát từ năm 2015. Đến nay đã qua 5 lần khảo sát và công bố Chỉ số DCI đối với các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Đã có 2149 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia trả lời phiếu khảo sát. Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được khảo sát và xếp hạng chỉ số DCI qua các năm là 169 đơn vị với 1351 phòng, ban trực thuộc). Kết quả khảo sát đã phản ánh tương đối chính xác suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ làm việc của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Về gặp gỡ, đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; Cải thiện các dịch vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm các chi phí không chính thức

Chương trình Cà phê doanh nhân đầu tiên được tổ chức ngày 05/7/2014 tại Grand Diamond Quảng Lợi và đến nay đã tổ chức 13 kỳ “Cà phê doanh nhân” với nhiều chủ đề phong phú. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp theo quy định một năm ít nhất 02 lần thông qua hình thức Hội nghị đối thoại và Chương trình cà phê doanh nhân hàng quý để trao đổi về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, giải quyết tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI, trong đó tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số trung bình và xếp hạng thấp. Đến nay, tổng số lượt doanh nghiệp tham gia Cà phê doanh nhân, đối thoại doanh nghiệp trên 3000 lượt với tổng số 138 ý kiến đề nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc và đã giải quyết được 132 ý kiến.

Lãnh đạo tỉnh phát biểu tại Chương trình Cà phê doanh nhân

Lãnh đạo tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại Chương trình Cà phê doanh nhân

Về xúc tiến, thu hút đầu tư

Các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đã góp phần vào việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số nhà đầu tư lớn đang tiến hành đầu tư tại Tuyên Quang, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần Woodsland, Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Việt Nam... Nhiều Tập đoàn lớn, Tổng công ty, tổ chức trong nước và nước ngoài đã khảo sát, nghiên cứu môi trường đầu tư tại tỉnh như: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn TH, Tập đoàn DSH (Tây Ban Nha), công ty DELTA, tổ chức JETRO và JICA; …

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác của Tập đoàn FLC.

Lãnh đạo tỉnh tiếp đón và làm việc với Tập đoàn FLC

Đến nay tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.518 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 14.825 tỷ đồng; tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 263 dự án với tổng số vốn trên 37.048 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 08 dự án đầu tư của 06 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Samoa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đã và đang triển khai hoạt động với tổng vốn đăng ký 184,4 triệu USD, trong đó, có 01 nhà đầu tư nước ngoài mới (công ty TNHH tập đoàn Better Power/Samoa) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất giày, dép xuất khẩu Tuyên Quang, với tổng vốn đầu tư là 25 triệu USD. Các dự án FDI triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho 5.535 lao động.

Thông qua Chương trình cà phê doanh nhân, là kênh thông tin đối thoại cởi mở giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất. Đáng lưu ý, hoạt động đối thoại doanh nghiệp đã được triển khai tới cấp huyện, ngành như: Tư pháp, Giao thông, thuế, các huyện: Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Đối thoại doanh nghiệp tại cấp huyện đã được lãnh đạo coi là hoạt động quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, tăng cường trợ giúp doanh nghiệp, giảm thời gian cấp chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Với đà phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp và kết quả cải cách hành chính trong những năm gần đây ở tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp. Số lượng dự án, vốn đăng ký đầu tư đã tăng mạnh so với những năm trước, đặc biệt là từ các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nhà đầu tư đến Tuyên Quang được hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư đúng theo quy định của Luật đầu tư và các văn bản dưới Luật. Công tác tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ kịp thời, không có tình trạng gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Các dự án được cấp Chứng nhận đầu tư thực hiện theo đúng quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, quy hoạch ngành và chiến lược phát triển vùng nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực cũng như phát huy lợi thế để phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết.

Các dự án đầu tư được triển khai, đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bổ sung vốn cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng giá trị xuất khẩu, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo việc làm cho người lao động. Các dự án cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, tổ chức có ý định tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang.

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang rất ghi nhận những cách làm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp khẳng định, môi trường kinh doanh của tỉnh đang được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng dần vị trí xếp hạng qua các năm.

Lãnh đạo Tỉnh Tuyên Quang trao danh hiệu doanh nhân tiêu biểu và Bằng khen của UBND tỉnh Tuyên Quang cho các doanh nhân trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh trao tặng doanh hiệu Doanh nhân tiêu biểu cho các Doanh nhân

Với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, với những định hướng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt triển khai; chắc chắn môi trường đầu tư, kinh doanh của Tuyên Quang sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang; góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020.

Hiền Lan

Tin cùng chuyên mục