Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ba Lan

Sáng ngày 18/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với Ủy ban Hợp tác phát triển kinh tế vùng Lower Silesia (Ba Lan) tổ chức Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ba Lan.

Theo Thư mời tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Ba Lan, tỉnh Tuyên Quang tổ chức đoàn đại biểu tham dự gồm: Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình, Lãnh đạo UBND huyện Hàm Yên cùng đại diện Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Cây ăn quả huyện và Công ty Cam sành Hàm Yên.

Tại Diễn đàn, Sở Công Thương Hà Nội đã giới thiệu tóm tắt về chính sách ưu đãi cho hợp tác, giao thương Việt Nam - Ba Lan. Qua đó, báo cáo tình hình hợp tác đầu tư với Ba Lan. Tính đến tháng 10/2019, Ba Lan có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội với tổng vốn đăng ký là 134,83 triệu USD, tập trung vào một số lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin truyền thông...; 8 Văn phòng đại diện của doanh nghiệp Ba Lan tại Hà Nội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm.

Chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) sang Ba Lan, ở chiều ngược lại, Ba Lan xuất vào Hà Nội chiếm 26% tổng kim ngạch XK của Ba Lan vào Việt Nam. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa của Hà Nội XK sang thị trường Ba Lan vẫn là những sản phẩm truyền thống của Việt Nam, bao gồm: Dệt may, nông sản, thủ công mỹ nghệ, giày dép các loại, chiếm 82% tổng kim ngạch XK của Hà Nội sang Ba Lan. Trong khi đó, Ba Lan có thế mạnh về nhóm sản phẩm từ gia súc, thức ăn gia súc và dược phẩm, đây là những mặt hàng Hà Nội có nhu cầu nhập khẩu (NK) khá lớn, cụ thể, năm 2018, tổng kim ngạch NK thức ăn gia súc của Hà Nội đạt khoảng 7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch NK của Hà Nội.

Ông Robert Iwan - Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác phát triển kinh tế của vùng Lower Silesia (Ba Lan) - cho hay: Mặc dù Việt Nam và Ba Lan đều là nhà sản xuất và XK lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nông sản cũng là nhóm hàng chính trong cơ cấu trao đổi thương mại song phương. Tiềm năng hợp tác cho DN hai bên vẫn còn rất lớn. Hai bên có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy nhanh hợp tác như cơ cấu xuất NK hàng hóa không cạnh tranh mà có tính bổ sung cho nhau rõ rệt, đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp đi vào thực thi, sẽ tạo điều kiện để Việt Nam - Ba Lan đẩy mạnh hợp tác thương mại trong thời gian tới.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo bà Trần Thị Phương Lan, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam…. “Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm và những lợi thế của vùng Lower Silesia, Ba Lan có thể hỗ trợ cho các DN của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung về công nghệ cũng như kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị để tạo sự lan tỏa công nghệ, giúp DN Hà Nội nâng cao chất lượng sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Ba Lan và châu Âu”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn gặp gỡ B2B giữa DN Việt Nam và Ba Lan

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra gặp gỡ B2B giữa DN Việt Nam và Ba Lan. Thời gian cho mỗi cuộc gặp gỡ, trao đổi diễn ra từ 10 - 15 phút. 6 DN Ba Lan và 51 DN Việt Nam đã cùng nhau trao đổi tiềm năng hợp tác kinh doanh, điều kiện để các DN có thể xuất, nhập khẩu. Các DN Ba Lan đang quan tâm và tìm kiếm đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, du lịch, nội thất, dược mỹ phẩm. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của hai bên và có nhiều dư địa hợp tác phát triển trong thời gian tới. Không chỉ muốn XK các sản phẩm của DN mình vào thị trường Việt Nam mà ngược lại các DN Ba Lan cũng mong muốn NK các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Ba Lan. Đối với tỉnh Tuyên Quang, nhân dịp này đã giới thiệu và trao đổi thông tin về những tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp, tập trung phát triển du lịch cộng đồng và chế biến, bảo quản nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Ba Lan.

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) – cho hay, sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sang thăm Việt Nam vào cuối năm 2017, diễn đàn lần này là một trong những hoạt động để đánh giá quá trình hợp tác giữa các DN Hà Nội (Việt Nam) với các DN Ba Lan. Trước khi Diễn đàn diễn ra, toàn bộ thông tin của DN Ba Lan tham gia Diễn đàn đã được phía Hanoisme gửi đến các DN của Hà Nội và tỉnh Tuyên Quang.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN (Hanoisme) với các DN Ba Lan

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các DN hợp tác hai chiều trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch, tại diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN (Hanoisme) với các DN Ba Lan. Ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng, việc ký kết biên bản ghi nhớ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung và Ba Lan tiếp cận những thông tin thị trường, chính sách ưu đãi thương mại, đầu tư của nhau, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất NK của hai quốc gia, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia. “Một trong những định hướng của TP. Hà Nội trong thời gian tới là tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng... gắn với phát triển bền vững. Đây sẽ là cơ hội để DN tại Ba Lan đẩy mạnh đầu tư vào TP. Hà Nội”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Riêng đối với tỉnh Tuyên Quang, các doanh nghiệp Ba Lan sẽ tiếp tục nghiên cứu về tiềm năng, thế mạnh cũng như môi trường đầu tư của tỉnh và tiến hành khảo sát, tìm kiếm các nhà cung cấp những sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương để nhập khẩu vào Ba Lan và hợp tác phát triển du lịch cộng đồng, tour du lịch Viet Nam – châu Âu.

 

Hiền Lan

Tin cùng chuyên mục