Khai thác tiềm năng, lợi thế, bảo đảm hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp

Thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17.600 tỷ đồng vào năm 2020, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất công nghiệp liên tục đạt và vượt kế hoạch đề ra; thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.

Bài 1: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực có lợi thế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiếp tục xác định công nghiệp là một trong những khâu đột phá, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế là phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, da giày, may mặc nhằm phát huy nội lực, phát triển bền vững.

Với lợi thế về đất đai, tỉnh đã triển khai các chính sách và tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy vào 2 khu và 4 cụm công nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thu hút đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động 4 nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, các nhà máy sản xuất viên gỗ nén tại huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; đầu tư xây dựng một số dự án điện sản xuất, nhà máy sản xuất da giày tại huyện Yên Sơn, Hàm Yên; Nhà máy Gang thép Tuyên Quang... Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.204 tỷ đồng, năm 2017 đạt 13.192 tỷ đồng, năm 2018 đạt 14.306 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 đạt 15.660 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 đạt 17.600 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Để phù hợp với xu thế chung các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ… bắt buộc phải chứng nhận được nguồn gốc, do đó tỉnh đã nâng cao giá trị rừng trồng bằng việc cấp chứng chỉ FSC. Đến thời điểm này, Tuyên Quang đã có hơn 25 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, phát triển trên 200 nghìn ha rừng sản xuất. Đây là lợi thế lớn để Tuyên Quang thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến lâm sản, tạo động lực để người dân tích cực trồng rừng. Hiện Công ty cổ phần Giấy An Hòa duy trì hiệu quả hoạt động 2 nhà máy, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm.


Công ty cổ phần Giấy An hòa đầu tư hệ thống máy móc hiện đại sản xuất giấy tráng phấn cao cấp. 
Ảnh: Quốc Việt

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cũng đang phối hợp với chính quyền huyện Yên Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng quy mô nhà máy thêm 30 ha, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trong thời gian tới. Trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa) công suất 250 triệu tấn sản phẩm/năm, nhu cầu nguyên liệu 10.000 m3 gỗ, cùng với hoạt động của hơn 300 cơ sở chế biến gỗ, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Cùng với chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, tỉnh quan tâm phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy sản xuất gạch không nung, tổng công suất hơn 21 triệu viên/năm; 3 doanh nghiệp sản xuất tôn lợp, công suất từ 100.000 đến 900.000 m2 tấn/năm... Các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng góp phần đắc lực thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thành Hưng hiện đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại sản xuất bê tông Parabon thành mỏng có tuổi thọ 50 năm, bê tông thương phẩm, công nghệ sản xuất bê tông siêu tính năng (UHPC) phục vụ đắc lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà có hai trạm trộn bê tông thương phẩm công suất 120 m3/giờ; đồng thời sản xuất các sản phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn, cống hộp các loại, cống ly tâm... phục vụ xây dựng các công trình giao thông, nhất là khu vực nông thôn.

Tỉnh ta hiện có gần 450 nghìn người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là lao động trẻ, chịu khó, cần cù, sáng tạo, đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất da giày, may mặc. Tỉnh đã tạo điều kiện để Công ty TNHH Tập đoàn Better Power/Samoa xây dựng Nhà máy sản xuất giày, dép xuất khẩu Tuyên Quang tại xã Trung Môn (Yên Sơn), hiện đã bắt đầu đi vào hoạt động; dự án nhà máy sản xuất giày tại cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên) do Công ty TNHH sản xuất giày CHUNG JYE Tuyên Quang - Việt Nam cũng đã bắt đầu xây dựng nhà xưởng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020. Công ty TNHH Seshin VN2 đã mở rộng dây chuyền may xuất khẩu từ 9 triệu lên 24 triệu sản phẩm/năm, Công ty TNHH MSAYB công suất từ 1,5 triệu lên 4 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Long Bình An... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, dự án sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả các nhà máy chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động tới môi trường. Đồng thời, rà soát quy hoạch, tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các dự án, nhất là các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp xanh, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.  

baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục