Thu hút đầu tư tại Tuyên quang

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 206 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 32 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trên 29.940 tỷ đồng, bằng 59,9% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh, giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu thu hút khoảng 50.000 tỷ đồng).

Cách thủ đô Hà Nội 140 km đường bộ về phía Bắc, nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc; giáp với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái; Tuyên Quang là tỉnh có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 54%.

Trong những năm qua, bên cạnh những thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn, đặc biệt năm 2021 ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt linh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm sát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt mức khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 8,48% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp tăng 13,78%, khu vực xây dựng tăng 11,27%, khu vực dịch vụ tăng 8,15%; thu ngân sách 2.629 tỷ đồng, đạt 106% dự toán năm 2021, tăng 9,36% so với năm 2020.

Một số điểm nổi bật trong quá trình thu hút đầu tư:

1. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới: Tuyên Quang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến thực hiện dự án tại tỉnh; giảm tối thiểu 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính; duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, về thuế, đất đai; bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 02 khu công nghiệp đang khai thác, 05 khu công nghiệp đang quy hoạch và 06 cụm công nghiệp đang khai thác, 04 cụm công nghiệp thành lập mới. Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành phố, chỉ số CCHC của tỉnh Tuyên Quang đạt 86,57%, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố.

2. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 206 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 32 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trên 29.940 tỷ đồng, bằng 59,9% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh, giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu thu hút khoảng 50.000 tỷ đồng). Trong đó có nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn đã đi vào hoạt động như: Nhà máy may Sơn Dương của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Vincom shophouse Tuyên Quang, Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy giầy da tại Cụm công nghiệp Tân Thành của Công ty TNHH Sản Xuất Giày Chung Jye Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW tại cụm Công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH JW Nông sản, Dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Dự án Flamingo Tân Trào) của Tập đoàn Flamingo,…

Tuyên Quang có độ che phủ rừng luôn đạt ở mức trên 65%, Tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững và đang phấn đấu trở thành cứ điểm quan trọng của ngành gỗ Việt Nam và khu vực. Hiện Tuyên Quang nằm trong TOP đầu cả nước để bảo đảm cho mục tiêu “Vì Việt Nam xanh”.  Đây là lợi thế để nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiến biến gỗ chọn Tuyên Quang làm điểm đến đầu tư. Đặc biệt là các dự án nhà máy chế biến gỗ, để duy trì và phát huy lợi thế rừng của Tuyên Quang. Việc thu hút các nhà máy chế biến, xuất khẩu gỗ giúp người dân bám rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng… từ đó đời sống của bà con được nâng cao.

Công nhân làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ công nghiệp thuộc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh sưu tầm 

3. Là một trong ba ngành được xác định là trụ cột phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Du lịch đã và đang được tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư lớn. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mang nhiều bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên hữu tình, Tuyên Quang có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch: Du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Tỉnh có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa. Là một tỉnh có 22 dân tộc cùng chung sống, là nơi giao thoa sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, đã tạo nên một Tuyên Quang với những lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc… là tiềm năng của tỉnh để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng.

Đình Tân Trào (Sơn Dương) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh sưu tầm

4. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Tuyên Quang đã cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh, các tuyến đường tỉnh; xây dựng một số cầu vượt sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy... Đặc biệt, đang tập trung hoàn thành một số dự án, công trình động lực trọng điểm như: Đường cao tốc Tuyên Quang, Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; Chuẩn bị khởi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang;… Đây là những dự án sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, có tính chất liên kết vùng cũng như khu vực, tạo sức hút các dự án đầu tư.

Quy hoạch, phát triển đô thị, đô thị động lực; Thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, chất lượng cao tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, đô thị tại các khu, cụm công nghiệp và những nơi có điều kiện theo hướng đô thị hiện đại, thông minh, đô thị xanh, thân thiện, có kiến trúc, bản sắc văn hóa đặc trưng...

Đưa vào hoạt động các nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh, như hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang với 166 điểm cầu, kết nối từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tiếp tục tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh sưu tầm

Hiền Lan XTĐT

Tin cùng chuyên mục