Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Những chính sách đột phá

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp cho người nông dân có cơ hội thoát nghèo, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cả một vùng. Để tạo cú huých cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh ta đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách riêng biệt, phù hợp để kích thích doanh nghiệp.

 Hình thành vùng chuyên canh hàng hóa

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vài năm trở lại đây tỉnh ta đã hình thành và phát triển nhiều vùng chuyên canh có diện tích hàng ngàn ha, đem lại giá trị kinh tế lớn và ổn định.


Vùng sản xuất cam sành Hàm Yên có diện tích 5.000 ha, là một trong những vùng cam lớn nhất miền Bắc.

Cụ thể, cây lạc có diện tích hàng năm 4.374 ha, sản lượng 11.374 tấn. Cây chè diện tích trên 8.700 ha, sản lượng búp tươi đạt trên 63.000 tấn/năm, là một trong 5 tỉnh có diện tích và sản lượng chè búp tươi đứng đầu cả nước. Sản phẩm chè búp tươi cung ứng ổn định nguyên liệu cho các nhà máy chế biến chè trong tỉnh, sản phẩm chè khô xuất khẩu vào các thị trường như Nga, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu. Cây mía diện tích 11.500 ha, sản lượng đạt trên 690.000 tấn. Cây cam sành diện tích trên 5.000 ha, sản lượng quả đạt khoảng 40.000 tấn/năm, là một trong những vùng cam lớn nhất miền Bắc. Cam sành Hàm Yên đang được tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị và các chợ đầu mối tại các thành phố lớn trong nước. Cam sành Hàm Yên được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; và liên tục được vinh danh, xếp hạng vào Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Việt Nam, Cúp vàng Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015.

Về chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu trên 110 nghìn con; đàn bò 21 nghìn con; đàn lợn 562 nghìn con; bò sữa 3 nghìn con. Sản lượng thịt hơi đạt 59 nghìn tấn; sản lượng sữa tươi đạt 12,8 nghìn tấn. Đàn gia cầm 5,1 triệu con. 

Diện tích rừng sản xuất 269.820 ha; chủ yếu là cây keo, mỡ, bồ đề, là nguyên liệu phù hợp cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 660.000 m3; là một trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc. Gỗ rừng trồng cung cấp nguyên liệu ổn định cho Nhà máy Giấy An Hòa công suất 130.000 tấn/năm; Nhà máy Giấy Bãi Bằng công suất 50.000 tấn/năm và nhu cầu chế biến, xây dựng, gia dụng trong tỉnh.  

Toàn tỉnh có trên 11.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 7.000 tấn. Nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện phát triển mạnh trong những năm gần đây, toàn tỉnh hiện có trên 1.390 lồng, trong đó có 358 lồng nuôi cá đặc sản: Chiên, bỗng, lăng, chiếm 26% tổng số lồng nuôi.

Cú huých cho doanh nghiệp đầu tư


Thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) là làng nghề sản xuất, chế biến chè đầu tiên của tỉnh đã được công nhận. 

Trong những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa tập trung, chính sách khuyến khích phát triển trang trại; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm Biogas; chính sách hỗ trợ đất trồng lúa, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh... Ngày 22-12-2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 41 quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào việc trồng mới, trồng lại cây chè; chăn nuôi gia súc tập trung, cơ sở chế biến cam, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư. 

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 năm trở lại đây đã có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình là: Dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào vùng sản xuất lạc hàng hóa của Công ty TNHH Sao Việt (Tuyên Quang); Dự án chế biến thức ăn gia súc tại xã Phúc Ứng (Sơn Dương); Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy. 

Trong lĩnh vực thủy sản, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào việc nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Anh Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH lâm sản và dịch vụ Long Giang cho biết, doanh nghiệp liên kết và đầu tư 35 lồng chăn nuôi cá lăng và cá quả. Hàng năm, doanh nghiệp đã xuất bán ra thị trường từ 40 đến 50 tấn cá thương phẩm. Hiện nay sản phẩm cá thịt của công ty đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp cũng từng bước giải quyết được 3 vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp gồm: Vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. 

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư trồng, chế biến nông sản (rau, củ, quả) công nghệ cao, chế biến nước cam. Trong đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng danh mục một số dự án trọng điểm vào lĩnh vực này như Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ cam an toàn, quy mô 30.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án Nhà máy chế biến nước cam quy mô 20.000 tấn/năm tại huyện Hàm Yên; dự án sản xuất rau công nghệ cao - an toàn tại TP Tuyên Quang, quy mô 500.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến chè Shan tuyết gắn với vùng nguyên liệu chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Nà Hang, quy mô 5.000 tấn chè búp tươi/năm; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Chiêm Hóa, quy mô 9.000 tấn sản phẩm/năm.

Khi tham gia vào thực hiện chính sách này, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhất định về cơ chế, hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn, đất đai… theo đúng cam kết của tỉnh. 

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục