Tổng quan về tình hình thu hút đầu tư năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang

Năm 2022, thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 2.741 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên 391 dự án với tổng số vốn trên 54.560 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 - 2022, số vốn đăng ký trên 30.600 tỷ đồng đạt trên 60% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025

Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh môi trường đầu tư có chuyển biến tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2020; Chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI của tỉnh năm 2021 đạt 43,4 điểm xếp thứ 20/63 tỉnh thành phố. Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất kinh doanh. Tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân" và Công bố chỉ số (DDCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2021; Hội nghị Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2021 đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số (PCI) của tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Trung tâm Xúc tiến đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh xây dựng Bộ chỉ số đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh (DDCI) và công bố chỉ số (DDCI) năm 2022.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm trao Bằng khen cho các tập thể. 

Năm 2022, thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 2.741 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên 391 dự án với tổng số vốn trên 54.560 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021 - 2022, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh với số vốn đăng ký trên 30.600 tỷ đồng đạt trên 60% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều nhà đầu tư uy tín như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Flamingo… nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Dự án Làng văn hóa du lịch tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Dự án nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu tại khu công nghiệp Long Bình An; Dự án du lịch lâm viên hồ Hoa Lũng của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Sân golf và dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Golf Tuyên Quang; Sân golf của Vingroup; Nhà máy may công nghệ cao Tuyên Quang LGG 3 tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên của Công ty cổ phần Tổng công ty may Tuyên Quang LGG.

Hỗ trợ các công ty, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện dự án tại tỉnh như: Tập đoàn Sun Group; Công ty Chung Hank F&C; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Công ty Cổ phần hàng không Vietjet; Công ty KIDO Hàn Quốc; Công ty ATCREATION (Hàn Quốc); Công ty TNHH The Hyaku Jushi Bank của Nhật Bản; Tập đoàn EREX; Công ty JPE Engineering Corporation, Nhật Bản; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu ASIA GROUP;...

Khởi công xây dựng Đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình HĐND tỉnh thông qua; hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cơ sở để cải thiện môi trường thu hút nhà đầu tư.

Các đại biểu bấm nút tại lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao Tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh sưu tầm.

Triển khai có hiệu quả Đề án thu hút đầu tư trên địa tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021, 2022, định hướng đến năm 2025 của tỉnh Tuyên Quang; Tổng hợp danh mục dự án mời gọi đầu tư và dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm, các clip giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc,... để phục vụ công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Kết quả, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 28/12/2022, cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 280 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.387 doanh nghiệp (bao gồm 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký trên 26.726,32 tỷ đồng.

Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 tỉnh Tuyên Quang định hướng thu hút đầu tư vào những nội dung, lĩnh vực như sau:

Khai thác tiềm năng, nguồn lực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin, như: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hạ tầng Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tuần hoàn.

 Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư và đẩy mạnh và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa vào các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ, du lịch; y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo gắn với đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tập trung vào các đối tác có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm: Các tập đoàn, tổng công ty; các công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước; các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như: Ấn Độ, Nga, Brazil,...

Xây dựng kế hoạch công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như chuỗi giá trị cây công nghiệp cam, chè, mía, dược liệu, cây lâm nghiệp…; Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật,...

Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn

Tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, đặc biệt với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Vùng Đồng bằng sông Hồng để phát triển kinh tế, xã hội theo hướng đổi mới, sáng tạo, có tính lan tỏa và giá trị gia tăng lớn.

Với tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư kinh doanh tốt có ý nghĩa rất quan trọng để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững. Sự có mặt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Tuyên Quang trong những năm qua và sắp tới cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh và hứa hẹn sẽ mang lại một triển vọng mới trong phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo./.

 

Hiền Lan

Tin cùng chuyên mục