Tuyên Quang hướng tới trung tâm sản xuất chế biến gỗ

Ngành lâm nghiệp Tuyên Quang tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động.

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh sẽ chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp chế biến phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo quy mô, chất lượng đáp ứng mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng có uy tín của cả nước và thị trường quốc tế.

- Là tỉnh có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế Lâm nghiệp, thời gian qua Tuyên Quang đã trở thành một trong những địa phương tiêu biểu trong đầu tư, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Ông có thể chia sẻ đôi nét về vấn đề này?

  1. Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, tỉnh đã sớm triển khai quy hoạch phân 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đào tạo lao động…

Tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 02 triệu m3/năm, sản lượng khai thác hằng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác; hằng năm trồng mới trên 11.000 ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh trên 70%.

Tuyên Quang cũng đã thu hút được 08 nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ…

- Để hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng, tỉnh đã đưa ra những giải pháp nào thưa ông?

Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng “Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”.

Để thực hiện mục tiêu này, cũng với việc quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 11-NQ/TW và Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Tuyên Quang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, khai thác có hiệu quả lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tỉnh đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm, trồng mới trên 97.000 ha, duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm, tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; thu nhập bình quân rừng trồng đạt 350 triệu đồng/ha.
Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, rà soát quy hoạch, cơ cấu lại diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả. Chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng, các doanh nghiệp chế biến phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, khai thác hiệu quả diện tích 1.584.315 ha rừng sản xuất các tỉnh vùng Đông Bắc, đảm bảo quy mô, chất lượng đáp ứng mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng có uy tín của cả nước và thị trường quốc tế…

>> Nghĩa đồng bào từ huyện nghèo vùng cao Tuyên Quang

>> Tuyên Quang tập trung cải thiện chỉ số PCI

- Để thu hút các nhà đầu tư, giao thông phải đi trước một bước. Vấn đề này được Tuyên Quang triển khai ra sao thưa ông?

Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của Đông Bắc và Tây Bắc, có truyền thống về bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp từ nhiều thời kỳ, hiện nay đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên, trong đó 50% là đất rừng sản xuất, những năm qua tỉnh đã chú trọng phát triển, hình thành được vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến, hệ thống giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh từng bước được hoàn thiện là cơ sở để tỉnh liên kết với các địa phương trong khu vực phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng.

Với quyết tâm thu hút đầu tư tốt hơn nữa, tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với các địa phương trong vùng, Tuyên Quang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 02 tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và Tuyên Quang - Hà Giang; nâng cấp các tuyến giao thông liên kết vùng (trục ngang, trục dọc) với các tỉnh trong khu vực, trong tâm là với Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang… Quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí thuận lợi; xây dựng hoàn thiện đường giao thông vào vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới các dự án phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến.

Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ và thị trường đến phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến các sản phẩm giấy, gỗ cao cấp giá trị cao.

diendandoanhnghiep

Tin cùng chuyên mục