Tuyên Quang: Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp trong tỉnh.

Ngày 8/10/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Số: 354/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2030 đạt số lượng trên 3.000 doanh nghiệp đưa tỷ lệ tham gia thu ngân sách nhà nước trên 55% và đóng góp khoảng 25% vào GRDP của tỉnh.
Mục tiêu chủ yếu của Đề án nhằm phát triển doanh nghiệp về số lượng, coi trọng nâng cao chất lượng, quy mô, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và khu vực nông thôn. Cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp trong tỉnh.Tăng tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp vào GRDP, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động.
 

Phát triển các doanh nghiệp may xuất khẩu đang tạo ra nhiều việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động ở Tuyên Quang. Ảnh minh họa
 
Đến năm 2020 phấn đấu đạt số lượng trên 2.000 doanh nghiệp (trong đó khuyến khích phát triển từ 55-60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp), phấn đấu đạt mục tiêu từ 23 doanh nghiệp/1 vạn dân, sử dụng khoảng 12% - 15% lao động trong độ tuổi lao động, tăng tỷ lệ tham gia thu ngân sách nhà nước trên 50% và tăng đóng tỷ lệ đóng góp khoảng 20% vào GRDP của tỉnh.

Đến năm 2030 phấn đấu đạt số lượng trên 3.000 doanh nghiệp (trong đó khuyến khích phát triển từ 80-100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp); đạt mục tiêu 30 doanh nghiệp/1 vạn dân, sử dụng khoảng 15% - 18% lao động trong độ tuổi lao động, đưa tỷ lệ tham gia thu ngân sách nhà nước trên 55% và đóng góp khoảng 25% vào GRDP của tỉnh.

Nâng cao quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước đồng thời có tích lũy để mở rộng quy mô phát triển doanh nghiệp bền vững trong những năm tiếp theo, tạo ra nhiều việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động.
 

Dây chuyền sản xuất ở nhà máy giấy Tuyên Quang. Ảnh minh họa
 
Đề án đã đề ra những giải pháp thực hiện chủ yếu: Tuyên truyền, phổ biến những chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh, thành lập doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động để thực hiện các dự án đầu tư, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tỉnh sẽ thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ khởi nghiệp huyện, thành phố và tổ chức chương trình “Cà phê khởi nghiệp” để tập trung các đối tượng trẻ là tầng lớp đoàn viên, thanh niên năng động, sáng tạo, ham học hỏi, có ý tưởng khởi nghiệp, mong muốn lập nghiệp, có ý trí vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương, địa phương mình; khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp để biến ý tưởng thành hiện thực. Các cơ quan quản lý nhà nước cử cán bộ có trình độ, năng lực và có kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn nội dung hoạt động kinh doanh gắn với nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu của các hội viên câu lạc bộ.
 
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ và các văn bản liên quan; thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII ban hành tại kỳ họp thứ 8 về hỗ trợ doanh nghiệp: Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019, Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tiếp tục đẩy mạnh việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp cận các nguồn lực và thị trường, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động và phát huy mọi tiềm lực trong tỉnh kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; ưu tiên phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do đồng bào dân tộc, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp.

Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu để doanh nghiệp ổn định sản xuất; tuyên truyền các cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý cho doanh nghiệp. Tổ chức các hội chợ, triển lãm, xây dựng và duy trì hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng, chuỗi giá trị và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đề tài, dự án cấp tỉnh, dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất; cung cấp kịp thời các bản tin thị trường, bản tin khoa học công nghệ. Tăng cường hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực hiện công khai quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các chương trình dự án phát triển kinh tế, quỹ đất sạch đã được giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính về đất đai để doanh nghiệp và chủ đầu tư thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai; chủ động lựa chọn vị trí thực hiện dự án phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện để phát triển các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý phù hợp với khả năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường công tác kêu gọi đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Hỗ trợ giá thuê đất để sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển. Tập trung hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm không phù hợp với quy hoạch đô thị thuộc diện cần di dời ra khỏi khu dân cư, khu quy hoạch đô thị vào các cụm công nghiệp tập trung để ổn định sản xuất.

Tin cùng chuyên mục