Tuyên Quang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tuyên Quang đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.

Thời gian qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh. Do vậy đã có sự chuyển biến tích cực, đổi mới về cả hình thức và nội dung, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượng dự án, vốn đăng ký đầu tư đã tăng mạnh so với giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là từ các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc là: Thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thực hiện các khâu đột phá. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tuyên Quang đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội, dự án đầu tư cụ thể,… nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Vì vậy, trong những năm qua, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khuyến khích.

Năm 2013, Tuyên Quang nằm ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng (PCI). Từ thực tế đó, Tỉnh ủy, đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 11/6/2014 về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó, cải cách thủ tục hành chính là giải pháp được đặc biệt quan tâm. Năm 2014, tỉnh Tuyên Quang đã tăng 13 bậc trong bảng xếp hạng, vươn lên đứng thứ 50 trong 63 tỉnh, thành phố; điểm (PCI) tổng hợp tăng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố với 6,22 điểm; Và từ đó chỉ số (PCI) của tỉnh tăng đều qua các năm. Đến năm 2020, Tuyên Quang xếp thứ hạng 31/63 tỉnh, thành phố với 63,46 điểm.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, định hướng đến năm 2025; Đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19;... Tổ chức hội nghị đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian dịch Covid-19 và đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp và triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.

Lãnh đạo các sở trao biên bản ký kết Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính

Trong năm 2021, có 262 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm 2020 (262/237 doanh nghiệp) nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.141 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 23.822,78 tỷ đồng (trong đó có 14 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài).

Tỉnh Tuyên Quang cũng đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và tổ chức Chương trình cà phê doanh nhân định kỳ hàng quý/năm, hội nghị đối thoại, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Mô hình “Chương trình Cà phê doanh nhân”; gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp của Tuyên Quang được lãnh đạo tỉnh phát kiến từ năm 2014 và là mô hình cải cách điển hình trong cả nước, đến nay đã qua 26 kỳ tổ chức với nhiều hình thức phong phú, chủ đề đa dạng, tạo ra môi trường trao đổi cởi mở, gần gũi, sáng tạo giữa chính quyền và doanh nghiệp, doanh nhân. Qua chương trình, không chỉ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp mà còn giúp các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp bàn chiến lược xây dựng định hướng, chiến lược phát triển, là cơ sở quan trọng để xây dựng các cơ chế chính sách phát triển của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang giao cho hiệp hội doanh nghiệp xây dựng, tiến hành khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh (DDCI). Bộ Chỉ số (DDCI) được xây dựng và khảo sát từ năm 2015, đến nay đã qua 8 lần khảo sát và công bố Chỉ số (DDCI) đối với các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Đã có trên 2.350 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia trả lời phiếu khảo sát. Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được khảo sát và xếp hạng chỉ số (DDCI) qua các năm là 169 đơn vị với 1.351 phòng, ban trực thuộc. Kết quả khảo sát đã phản ánh tương đối chính xác suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, thái độ làm việc của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang rất ghi nhận những cách làm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp khẳng định, môi trường kinh doanh của tỉnh đang được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng dần vị trí xếp hạng qua các năm.

Trong năm 2021, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 35 dự án với số vốn đăng ký là 7.010,4 tỷ đồng, trong đó có 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 368 dự án với số vốn đăng ký trên 58.563 tỷ đồng; Cho chủ trương nghiên cứu khảo sát đề xuất 10 dự án, trong đó đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm năng như: Tập đoàn Sun Group, Công ty cổ phần Flamingo Redtours. Đến nay, đã thu hút và cho ý kiến triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng, bằng 50% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu thu hút 45.000-50.000 tỷ đồng).

Nhà đầu tư đến Tuyên Quang được hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư đúng theo quy định của Luật đầu tư và các văn bản dưới Luật. Công tác tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ kịp thời, không có tình trạng gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Các dự án được cấp Chứng nhận đầu tư thực hiện theo đúng quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, quy hoạch ngành và chiến lược phát triển vùng nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực cũng như phát huy lợi thế để phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết.

Với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, với những định hướng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt triển khai; chắc chắn môi trường đầu tư, kinh doanh của Tuyên Quang sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang; góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025./.

 

Hiền Lan – XTĐT&TH

Tin cùng chuyên mục