Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Ba giải pháp để Tuyên Quang bứt phá

21/04/2021 - 03:00
371

Tại Diễn đàn "Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc", diễn ra ngày 20/4/2021, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã đề xuất 3 giải pháp để tỉnh Tuyên Quag bứt phá hơn nữa.

 

 

 

Đoàn Đại biểu tỉnh Tuyên Quang dự Diễn đàn có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và một số doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm dự diễn đàn.

Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô Khu giải phóng, Tuyên Quang luôn giữ sứ mệnh là "phên giậu" che chở cho kinh đô về phía Bắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn "Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc" được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2016-2020, kinh tế của tỉnh tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 5,24%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông, lâm nghiệp; các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc; quốc phòng - an ninh được giữ vững”.

Với điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, địa kinh tế không thuận lợi, tỉnh Tuyên Quang còn gặp nhiều trở ngại trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhân dân các xã vùng căn cứ cách mạng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhưng do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội không thuận lợi, nên đời sống vật chất và tinh thần còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tuyên Quang lại có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tỉnh Tuyên Quang có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Cây chè, cây lạc, cam sành Hàm Yên, rừng sản xuất; độ che phủ của rừng đạt 64%, là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước. Đó là những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp cũng như công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đặc biệt, Tuyên Quang có tiềm năng du lịch dồi dào với cả ba loại hình: Du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Tỉnh có hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Là một tỉnh có 22 dân tộc cùng chung sống, đã tạo nên một Tuyên Quang lung linh sắc màu với những lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, đặc biệt Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Các sử thần thời phong kiến đã chép về Tuyên Quang là nơi “Đất sơn kỳ thủy tú, người tài tử giai nhân”.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Tuyên Quang đã và đang tập trung hoàn thành các quy hoạch; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy kinh tế phát triển; cụ thể Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh; tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân” hàng tháng để nắm bắt thông tin, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết những khiếu nại của công dân và cộng đồng doanh nghiệp...

Bên cạnh những thuận lợi, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có nhiều bất lợi, như: Vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, không gian kinh tế bị chia cắt bời địa giới hành chính, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kém phát triển.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc, việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội phải nằm trong tổng thể Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc để phát huy những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, liên kết hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với mạng lưới sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành mũi nhọn”.

Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng, tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp.

Diễn đàn thu hút đông đảo các khách mời tham dự.

Thứ nhất, sớm triển khai xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển vùng Trung du và Miền núi phía Bắc làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng. Trong đó, xác định Tuyên Quang là một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững như chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh trong vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách; đồng thời các địa phương chủ động hợp tác, phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở mới các tuyến giao thông kết nối nhằm thu hút đầu tư phát triển. Trong đó, quan tâm hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ đầu tư hoàn thành đường Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai; bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kết nối với Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang…

Thứ ba, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để khai thác và phát huy lợi thế về du lịch của mỗi địa phương; tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc và các chương trình, hợp tác phát triển du lịch trong nước và nước ngoài.

Diễn đàn Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là dịp để các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chia sẻ, chung tay làm giảm bớt những khó khăn của nhân dân Tuyên Quang nói riêng và nhân dân các dân tộc Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc nói chung. Vì vậy, tại Diễn đàn, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng nhấn mạnh: Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hợp tác phát triển kinh tế vùng, phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, nông thôn, an sinh xã hội, giảm nghèo,… để Tuyên Quang ngày phát triển, đời sống của nhân dân các dân tộc tiếp tục được cải thiện và nâng cao”.

Hiền Lan - XTTH

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 4, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 828 155 - Fax: 02073 822 603 - Email: xuctiendautu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép hoạt động số: 40/GP-TTĐT ngày 08/7/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://ipc.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang