Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tình hình kinh tế-xã hội năm 2024

05/11/2024 - 09:03
70

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, hạ tầng đối với 26 tỉnh miền núi phía Bắc. Tuyên Quang là tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bão số 3 đã triển khai tốt các phương án phòng chống, giúp giảm thiểu số người bị chết, bị thương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả chỉ tiêu giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sát thực tiễn hơn. Theo đại biểu, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho khu vực miền núi phía Bắc, đây cũng là khu vực có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước (11,29% cao gấp 3,85 lần bình quân chung cả nước). Vì thế, sẽ có tác động đến hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, kết quả giải ngân của nhiều dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến hết tháng 8/2024 chỉ đạt 48%.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá tác động của cơn bão số 3 đối với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là mục tiêu giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về thực hiện 3 chương trình MTQG, Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội, đã tháo gỡ cơ bản vướng mắc cho các địa phương. Tuy nhiên, việc giao đất ở, đất sản xuất, bố trí di dân vẫn còn vướng mắc, lúng túng. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về tháo gỡ vướng mắc BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, nội dung này đã được Quốc hội khóa XV chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết 142/2024/QH15 để xử lý dứt điểm vấn đề trên.

Về tình hình thi hành hiến pháp và pháp luật, đại biểu cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh “3 đột phá chiến lược” và “6 nhiệm vụ trọng tâm”, các bộ, ngành đã tích cực, khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên vẫn còn một số văn bản hướng dẫn, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội còn chậm.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn, quy định cho tiết các điều luật, nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là 4 luật có ý nghĩa, tác động rất lớn về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.

Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị phải tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức lợi ích của tham gia bảo hiểm trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt sau cơ bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ.

Cùng với đó, Chính phủ cần có giải pháp đối với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là các bếp ăn tại khu công nghiệp, trường học, tình trạng lừa đảo qua không gian mạng; thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng.

Về xóa “nhà tạm, nhà dột nát” đại biểu Mai đề nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn về nhà tạm, nhà dột nát và định mức hỗ trợ cho các hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đại biểu cũng đề nghị có biện pháp giải quyết những bất cập trong việc chi trả tiền lương hưu, các chế độ trợ cấp không dùng tiền mặt đối với đối tượng ở vùng miền núi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người dân chưa có phương tiện công nghệ cũng như điều kiện khác đáp ứng chi trả không dùng tiền mặt.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.

Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng chủ trương bổ sung vốn nhà nước tại VCB là rất cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng, cơ sở pháp lý và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Ngoài ra, theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng năm 2030 thì VCB đang phấn đấu vươn ra khu vực để nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á về tổng tài sản. Tuy nhiên hiện nay, vốn điều lệ, tổng tài sản của VCB đang khá thấp so với các ngân hàng trong khu vực và quốc tế. Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo baotuyenquang.com.vn (Ngọc Hưng)

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 4, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 828 155 - Fax: 02073 822 603 - Email: xuctiendautu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép hoạt động số: 40/GP-TTĐT ngày 08/7/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://ipc.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang