Trong tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Ấn Độ, dịp này, nhiều 'đại bàng' Ấn Độ đã khẳng định sẽ rót hàng tỷ USD vào Việt Nam, trên cơ sở được tạo điều kiện thuận lợi và chính sách ưu đãi từ Việt Nam.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ 4 tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao. |
Cuộc đua hút FDI
Tập đoàn SMS Pharmaceuticals - một trong những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất đất nước tỷ dân cho biết đã thành lập liên doanh để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại Thanh Hóa. Doanh nghiệp tính toán dự án công viên dược này có tổng vốn 4 - 5 tỷ USD, đầu tư trong 10 - 12 năm.
Hay như Adani - tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên đầu tư hạ tầng, năng lượng cũng đã đề xuất đầu tư 2 tỷ USD vào cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng; ngoài ra còn có sân bay Chu Lai, sân bay Long Thành và nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với quy mô vốn khoảng 3 tỷ USD.
Một điều đáng lưu tâm là các doanh nghiệp đều đề nghị phía Việt Nam tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục và môi trường đầu tư. Đơn cử, Adani muốn rót 100% vốn đầu tư vào cảng thông minh nhưng vướng ở quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 49% vốn.
Thời gian qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tính tới cuối tháng 6 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 70,4% tổng vốn FDI 6 tháng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Liên tiếp các tin vui cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ 4 tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và thách thức, chúng ta không phải là quốc gia duy nhất đặt mục tiêu tập trung thu hút những cơ hội này.
Thực tế, Việt Nam đang ở giữa một cuộc cạnh tranh quyết liệt nhằm ổn định, khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xu hướng. Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Châu Âu hay thậm chí các nước trong ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với các gói hỗ trợ lên đến nhiều tỷ USD.
Nhờ phản ứng nhanh trong đổi mới chính sách, các quốc gia này đã thu hút được những dự án rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình như Malaysia trong tháng 5/2024 vừa qua đã công bố một loạt các dự án lớn gồm dự án Cloud và AI của Microsoft với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; dự án trung tâm dữ liệu của Google với vốn đầu tư 2 tỷ USD. Ngoài ra một số tập đoàn lớn cũng đã công bố kế hoạch đầu tư của mình tại đây như ByteDance (công ty mẹ của Tiktok) dự kiến đầu tư 2,13 tỷ USD thành lập trung tâm dữ liệu, trước đó Nvidia cũng hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm AI trị giá 4,3 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng trong các năm gần đây nhưng số lượng dự án quy mô vốn lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức (tập đoàn Samsung, LG, Intel,...) về việc tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi để theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam.
Phép thử cho Việt Nam
Trong bối cảnh hiện tại, với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD) thì việc thay đổi ở thời điểm này là vô cùng cấp thiết.
“Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh, đặc biệt giữ chân và thu hút các doanh nghiệp đại bàng với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.
Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà mục tiêu để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần "thiện chí đồng hành" của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trong Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực hoàn thiện Dự thảo để trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, tài chính không phải là vấn đề duy nhất Việt Nam cần quan tâm để duy trì sức hút trong thời gian tới.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, về dài hạn thì các trợ cấp về tài khoá, tài chính không phải điều quan trọng nhất để hấp dẫn doanh nghiệp, vấn đề nằm ở cải cách tổng thể môi trường đầu tư kinh doanh.
“Thuế tối thiểu toàn cầu không chỉ là phép thử để Việt Nam làm Quỹ Hỗ trợ đầu tư mà nó là phép thử cho thấy liệu Việt Nam có xây dựng được công cuộc cải cách, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, công bằng nhất hay không”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Chính phủ đang cho thấy quyết tâm cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã thành lập các tổ công tác để trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư về các mảng liên quan đến ngành mới như bán dẫn, Al, công nghệ cao... Đặc biệt, với công nghệ cao, hàng tuần Chính phủ và các Bộ, ngành đều họp trao đổi để đề xuất những chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác để hiện thực mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
Ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành Công ty KCN Vietnam
Nhà đầu tư FDI không chỉ nhìn vào điểm sáng mà còn nhìn vào những khó khăn, đó là chính sách đầu tư. Vì thế, cùng với những điểm sáng thì cần tiếp tục thay đổi môi trường kinh doanh, cụ thể là quy trình cấp giấy phép cũng nên thay đổi. Đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp FDI có thể đầu tư thuận lợi hơn. Ông Hoàng Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam Hình thức hỗ trợ đầu tư theo chi phí không phải là điều quá mới mẻ. Ấn Độ đã áp dụng hình thức này từ rất nhiều năm nay, một số nước trong khu vực ASEAN cũng đã áp dụng rồi nên chúng ta cần mạnh dạn hơn trong triển khai. Quan trọng là làm sao để cơ chế thực sự đi vào cuộc sống, doanh nghiệp có thể tiếp cận hỗ trợ một cách dễ dàng, đúng thời điểm, kịp thời. Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội Vấn đề lớn nhất mà các khu công nghiệp hiện tại đang gặp phải là năng lượng. Một số nhà đầu tư yêu cầu mức năng lượng lên tới 10 - 30 megawatt - một con số khó đáp ở thời điểm hiện tại. Để sớm khắc phục vấn đề về truyền tải điện, Chính phủ đã lên kế hoạch triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện tại xã Quỳnh Lập, Nghệ An với công suất 1500 megawatt. Đây là nỗ lực đáng chú ý để duy trì sức hút của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. |
Theo vnbusiness.vn (Đỗ Kiều)