Dự họp có các đồng chí: Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp.
Tại Việt Nam, tính đến sáng 26-5, có 5.774 trường hợp mắc Covid-19, 44 trường hợp tử vong, chữa khỏi 2.794 người, 2.932 người đang được điều trị. Từ 29- 4 đến nay đã ghi nhận 2.792 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng tại 30 tỉnh, thành phố và 2 bệnh viện.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, tính đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 ca mắc Covid-19. Tổng số người hiện đang được cách ly, theo dõi cách ly 12.827 người. Qua rà soát, truy vết, đến nay toàn tỉnh có 153 F1 đã lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính lần 1, trong đó có 113 F1 có kết quả âm tính lần 2 bao gồm cả chồng và con BN 4191 và 26 F1 có kết quả âm tính lần 3; 5.508 F2 và 1.344 F3 đã được cách ly theo đúng quy định.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc truy vết, rà soát các trường hợp liên quan đến ca bệnh và về từ vùng có dịch; việc duy trì tổ Covid-19 cộng đồng; kế hoạch tiêm vắc xin đợt 2; hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế để đảm bảo sẵn sàng đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến; nguồn tài chính hỗ trợ công tác phòng, chống dịch...
Tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tỉnh cần quản lý chặt chẽ người đến địa phương ngay từ các chốt trạm kiểm soát liên ngành; cần quan tâm về cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung. Cơ quan y tế cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch như khẩn trương rà soát, tính toán để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin…
Giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn biểu dương ngành Y tế, huyện Chiêm Hóa đã hết sức nỗ lực khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly các trường hợp F1, F2 khi trên địa bàn có ca mắc Covid-19.
Cho đến nay, Tuyên Quang cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên thời gian qua, việc kiểm soát người về từ các địa phương khác tại địa phương, tại các chốt kiểm soát liên ngành chưa được thực hiện chặt chẽ. Đây sẽ là nguy cơ rất lớn để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Một số địa phương còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp. Dự báo nguy cơ bùng phát dịch trên phạm vi cả nước là rất cao, nhất là các khu công nghiệp, vì vậy yêu cầu các địa phương triển khai tích cực, hiệu quả, quyết liệt hơn, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu.
Các ngành chức năng, các địa phương phải thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh về công tác phòng chống dịch. Đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện mục tiêu kép. Ngành Y tế cần có kế hoạch, lộ trình tiêm vắc xin bài bản, khoa học, hiệu quả, trong đó ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp; thực hiện các giải pháp phù hợp để có vắc xin sớm nhất có thể để tiêm phòng trên diện rộng, phấn đấu trên 50% dân số được tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất.
Các cơ quan chức năng của tỉnh, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện 5K, đảm bảo an toàn tại bệnh viện; kiểm soát, quản lý chặt chẽ người từ địa phương khác vào tỉnh, không để lọt, sót trường hợp về từ vùng dịch, quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.