Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với 200 doanh nhân tiêu biểu, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - thành viên Tập đoàn Masan, cho rằng với sự hỗ trợ từ hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp bán lẻ có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh.
HỆ SINH THÁI BÁN LẺ BỀN VỮNG
"Chuỗi cung ứng hiệu quả này không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định mà còn giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển lên hàng hóa, giúp mang sản phẩm chất lượng cao và chi phí hợp lý đến tay người tiêu dùng", bà Phương nói. Không chỉ WinCommerce, những ngày đầu quý 4/2024, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang chạy nước rút công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó có tập trung liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, kênh phân phối, góp phần bình ổn thị trường.
Cụ thể, Saigon Co.op vừa công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm hướng đến xây dựng hệ sinh thái bán lẻ bền vững. Đây được đánh giá là một trong những chiến lược quan trọng của Saigon Co.op, vừa hỗ trợ cho các địa phương, vừa kết nối nhà sản xuất, nhà cung ứng để hình thành nên hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Saigon Co.op thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp từ 6 tỉnh, thành phố và đánh dấu hoàn tất giai đoạn 1 của chương trình “quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op”.
Tương tự, 8 tháng đầu năm 2024, ước tính tổng doanh thu của 56 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trong hệ thống bán lẻ của Satra đạt khoảng 90 tỷ đồng. Theo đại diện Satra, những con số này cho thấy chiến lược phát triển liên kết vùng đang phát huy lợi thế cạnh tranh của Satra trong lĩnh vực sản xuất, bán sỉ - lẻ gắn xu hướng phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ đó, Satra đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phân phối các sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng vùng miền. Sau 8 tháng, doanh thu từ các sản phẩm OCOP đã vượt 4,6 tỷ đồng, nhận được nhiều đánh giá cao về chất lượng và giá trị.
Cũng với định hướng đó, các sản phẩm được phân phối tại hệ thống Bách hóa Xanh luôn được chú trọng kiểm soát từ gốc, đặc biệt là những mặt hàng thủy, hải sản tươi sống. Sau thời gian khảo sát đi đến hợp tác, Godaco với vùng nuôi riêng lên đến 350ha, tự cung cấp con giống và thức ăn, đã trở thành một trong những nhà cung cấp cá basa chính cho Bách hóa Xanh. Với gần 2.000 siêu thị trải dọc khắp miền Nam và Trung, Bách hóa Xanh nhập hàng trăm tấn cá basa mỗi tháng, 40% sản lượng đến từ Godaco, cho thấy chất lượng của thương hiệu này đã được khách hàng kiểm chứng.
Ở chiều ngược lại, các địa phương cho biết sau khi đầu tư vùng nguyên liệu thì vấn đề đầu ra như thế nào, kết nối giữa hợp tác xã và doanh nghiệp ra sao cũng quan trọng. Bà Huỳnh Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Công ty Nông sản xanh An Phát, so sánh: dưa lưới trồng trong nhà màng được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, năng suất chỉ bằng 1/3 so với dưa trồng ngoài ruộng, tuy nhiên, giá bán hai loại dưa ra thị trường không chênh lệch bao nhiêu. “Các nhà sản xuất chân chính đang gặp khó khăn khi sản phẩm của mình phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng”, bà Trang cho biết...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy