Khởi tạo nền kinh tế mới: Động lực từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

22/10/2024 - 11:08
352

Việt Nam cần một cuộc cải cách mạnh mẽ như năm 1986, cần thiết phải chuyển đổi từ nâu sang xanh, từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo để có thể đạt được thành tựu trong thời gian tới...

 

Chia sẻ tại phiên tham luận có chủ đề: “Việt Nam: cơ hội, thách thức và động lực khởi tạo một nền kinh tế mới” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế mới Việt Nam 2024 vừa qua, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho rằng Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (năm 1986). Đây là dấu mốc quan trọng và trong suốt gần 40 năm qua Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định.

 

VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU?

 

Năm 2006, khi Việt Nam hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), toàn bộ thể chế nền kinh tế Việt Nam đã được điều chỉnh, sử dụng các công cụ kinh tế thay cho công cụ hành chính và công cụ hình sự hóa kinh tế.

 

Trong thời qua, nhiều chuyên gia và học giả nói rằng Việt Nam đang vươn mình, vậy chúng ta đang ở vị trí nào? Nếu theo mô hình tăng trưởng của Rostow, ông Nguyễn Đình Thọ chỉ rõ, chúng ta đi từ nền kinh tế xã hội truyền thống tới tiền công nghiệp, nền kinh tế công nghiệp, hậu công nghiệp và cuối cùng là nền kinh tế hiện đại. Trong 5 bước này, Việt Nam mới đang ở bước thứ 2, tức là tiền công nghiệp, thậm chí chưa có công nghiệp chế tạo. Chính vì vậy, kỷ nguyên sắp tới của Việt Nam là kỷ nguyên xanh, kỷ nguyên số cùng với kỷ nguyên toàn cầu. Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều, đầu tư vào hạ tầng xanh, nhân lực, vật lực và tài chính xanh để đạt được mục tiêu này.

 

Như vậy, việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là yêu cầu bắt buộc, theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Việ̂n trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam gần như đã đạt tới hạn trong việc khai thác các yếu tố liên quan tới lao động giá rẻ, sử dụng nhiều tài nguyên, do đó cần tận dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây không phải là câu chuyện về động lực kinh tế, mà nó chắc chắn được tạo ra khi chúng ta nhận thấy phải có cách tiếp cận mới trong ứng dụng khoa học và công nghệ để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Trong 5 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nhiều vào việc xây dựng mô hình kinh tế mới như các mô hình: Kinh tế ban đêm, Kinh tế chia sẻ, Kinh tế tuần hoàn; xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Thực tế năm 2017-2018, Việt Nam tập trung vào các mô hình phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. 5 năm gần đây, đặc biệt từ năm 2020 đến nay có rất nhiều chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, nhân lực số… Gần đây nhất, năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

 

Tuy rất nhiều mô hình kinh tế mới được xây dựng và sử dụng, nhưng chúng ta không dừng lại ở đó mà còn nhiều mô hình khác như Kinh tế biển xanh, Kinh tế dữ liệu, Kinh tế chăm sóc, hay những vấn đề liên quan tới Net Zero… Tất cả những vấn đề này giống như sự chuẩn bị mang tính chiến lược về mô hình mới, không gian mới, mục tiêu mới, cơ hội mới.

 

THÁCH THỨC KHỞI TẠO NỀN KINH TẾ MỚI

 

Khảo sát doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo xanh ở các địa phương cho  thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có nhận thức tốt về vấn đề này, song trên thực tế điều này lại chưa được áp dụng nhiều trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, hỗ trợ doanh nghiệp hiện vẫn chủ yếu là hỗ trợ về đào tạo, xúc tiến đầu tư. Còn hỗ trợ cụ thể về tài chính, khoa học và công nghệ chưa thực sự có nhiều, doanh nghiệp tiếp cận khó khăn.

 

Nhận thức của doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn, khảo sát gần đây của CIEM cho thấy các doanh nghiệp đều nhận thức được lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của áp dụng kinh tế tuần hoàn.

 

Báo cáo về chuyển đổi số năm 2023 cũng có sự thay đổi nhiều so với năm 2022. Khi đánh giá về chuyển đổi kép, tỷ lệ bằng sáng chế xanh của Việt Nam giai đoạn 2017 -2021 chiếm khoảng 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi (sau Malaysia 51%, Thái Lan 20%), liên quan chủ yếu đến năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh.

 

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Việ̂n trưởng CIEM.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Việ̂n trưởng CIEM.

 

“Chúng ta không chỉ chú trọng câu chuyện phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi kép, mà cần lưu ý, kinh tế số ngày nay cần là một nền kinh tế số tuần hoàn hơn, cũng như năng lượng cần sử dụng hiệu quả hơn, bao bì tiết kiệm hơn, tiêu dùng cần có trách nhiệm hơn

 

Cần nhận diện thách thức đặt ra đối với Việt Nam. Chúng ta không nói về câu chuyện kinh tế số, kinh tế xanh đơn lẻ mà nói về chuyển đổi kép. Xanh và số, hai yếu tố này phải gắn chặt với nhau. Các khó khăn hiện nay với Việt Nam, là nguồn lực: khung pháp lý, nhân lực, vai trò của khu vực công, thực thi chính sách... đây là những vấn đề căn cơ trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.”.

 

 

Tuy nhiên, xét về công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nước đang phát triển (sau Malaysia 58%, Philippines 16% và Thái Lan 11%). Những con số này cho thấy, dù chúng ta đã có nhiều kết quả tốt trong thời gian qua nhưng vẫn cần phải cố gắng rất nhiều.

 

Đánh giá một cách thẳng thắn, ông Thọ cho rằng động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào đầu tư hạ tầng, các cảng hàng không; định hướng xây dựng trung tâm thị trường tài chính châu Á ở Đà Nẵng, TP.HCM; dự án đường sắt cao tốc… đây là những cơ hội thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên hiện nay là chuyển dịch nền kinh tế từ nâu sang xanh. Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ có 2% nền kinh tế là xanh, đến nay khoảng 4 - 4,5%.

 

Vì vậy, trong thời gian tới để chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cần tập trung vào ba yêu cầu: tài chính xanh, công nghệ xanh và nâng cao năng lực xanh. Để có được điều này, đầu tư vào nhân lực xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chỉ riêng việc liên quan tới kiểm kê khí carbon, tập huấn cho người dân và doanh nghiệp trong kiểm kê, báo cáo và xác nhận carbon cũng là nội dung chúng ta phải thực hiện và tốn kém rất nhiều chi phí.

 

Liên quan tới vật lực xanh - tức đầu tư hạ tầng xanh, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với thách thức lớn, kim ngạch xuất khẩu giảm 10% so với năm 2022 (tương ứng khoảng 5 tỷ USD), trong khi Bangladesh tăng 10%. 200 doanh nghiệp ở Bangladesh đã đạt tiêu chuẩn Leed về nhà máy, đạt được về nước xanh, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái.

 

Tuy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư lớn vào chuyển đổi xanh nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được điều này, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may Việt Nam rất lớn, khoảng 3.000 doanh nghiệp nên rất khó để đầu tư. Vì vậy trong thời gian tới, Chính phủ, doanh nghiệp, các định chế tài chính cũng như các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng xanh giúp Việt Nam cải thiện được yếu tố này.

 

Đồng thời, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp bằng việc “kết bè” để có 10 triệu USD cho chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các công ty công nghệ, các tập đoàn tài chính và Chính phủ để thực hiện thành công chuyển đổi xanh và để khởi tạo nền kinh tế mới.

 

Báo cáo của UNCTAD đánh giá về tiềm năng kinh tế số (E-commerce) thế giới cho thấy số smart phone đạt 1,2 tỷ năm 2023; số thiết bị IoT sẽ đạt 39 tỷ vào năm 2029. E-commerce của 43 quốc gia (chiếm 75% GDP toàn cầu) tăng gần 60% giai đoạn 2016-2022, tổng doanh thu đạt 27 nghìn tỷ USD. Theo khảo sát của Oxford Economics, quy mô kinh tế xanh toàn cầu đạt 1,3 nghìn tỷ USD năm 2020 và sẽ đạt 10,3 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

 

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.

 

"Chúng ta đi từ nền kinh tế xã hội truyền thống tới tiền công nghiệp, nền kinh tế công nghiệp, hậu công nghiệp và cuối cùng là nền kinh tế hiện đại. Trong 5 bước này, Việt Nam mới đang ở bước thứ 2 tức là tiền công nghiệp, thậm chí chúng ta chưa có công nghiệp chế tạo. Chính vì vậy, kỷ nguyên sắp tới của Việt Nam là kỷ nguyên xanh, kỷ nguyên số cùng với kỷ nguyên toàn cầu. Chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều, đầu tư vào hạ tầng xanh, nhân lực, vật lực và tài chính xanh để đạt được mục tiêu này".

 

 

Trong khu vực ASEAN, có cơ hội rất lớn cho khu vực này khi cuối năm 2013 các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu thảo luận về Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số (DEFA) dự kiến hoàn tất cuối năm 2025 (sẽ là hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới). Các đánh giá cho thấy tiềm năng tổng nền kinh tế số của khu vực ASEAN sẽ vào khoảng 2.000 tỷ USD năm 2030.

 

CẦN MỘT NỀN KINH TẾ SỐ TUẦN HOÀN HƠN

 

Đối với Việt Nam, mục tiêu tỷ trọng nền kinh tế số chiếm 20% GDP (năm 2025) và tăng dần lên 30% GDP (năm 2030). E-Conomy SEA đánh giá, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN năm 2023 và lớn thứ hai khu vực năm 2030 (sau Indonesia); kinh tế xanh tăng trưởng vượt bậc từ 6,7 tỷ USD (năm 2020) và lên 300 tỷ USD (năm 2050).

 

Đại diện CIEM cho rằng cần nhận diện thách thức đặt ra đối với Việt Nam. Chúng ta không nói về câu chuyện kinh tế số, kinh tế xanh đơn lẻ mà nói về chuyển đổi kép. Xanh và số, hai yếu tố này phải gắn chặt với nhau. Các khó khăn hiện nay với Việt Nam, là nguồn lực: khung pháp lý, nhân lực, vai trò của khu vực công, thực thi chính sách... đây là những vấn đề căn cơ trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

 

Báo cáo về chuyển đổi kép đã đưa ra những con số đánh giá đáng quan ngại. Ông Nguyễn Hoa Cương dẫn chứng: sản xuất một chiếc điện thoại di động vào năm 1960 cần 10 nguyên tố trong bảng tuần hoàn 118 nguyên tố, nhưng đến năm 1990 cần 27 nguyên tố, đến năm 2021 cần 63 nguyên tố. Lý do là nhu cầu về nguyên liệu, về đất hiếm, các nguyên tố khác nhau ngày càng gắn chặt với căng thẳng địa chính trị, những mâu thuẫn trong nền kinh tế, dẫn tới bức tranh phát triển kinh tế số ngày hôm nay phức tạp hơn rất nhiều. 

 

Việc sản xuất ra một thiết bị hiện nay có dễ dàng không? Về vai trò của công nghệ  thì không khó, nhưng tính về khối lượng tài nguyên tiêu thụ thì rất nhiều. Chẳng hạn, một máy tính nặng 2kg cần khoảng 800kg nguyên liệu, một điện thoại di động nặng 200 gram cần ít nhất 70kg nguyên liệu từ lúc chế tạo đến lúc xả thải. Hay việc các Trung tâm dữ liệu (data center) toàn cầu ngày nay sử dụng điện rất nhiều: năm 2022, tổng số các trung tâm dữ liệu sử dụng điện bằng tổng điện tiêu thụ của cả nước Pháp; còn các trung tâm dữ liệu ở Singapore chiếm 8% tổng lượng điện tiêu thụ.

 

“Như vậy, chúng ta không chỉ chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi kép, mà cần lưu ý, kinh tế số ngày nay cần là một nền kinh tế số tuần hoàn hơn, cũng như năng lượng cần sử dụng hiệu quả hơn, bao bì tiết kiệm hơn, tiêu dùng cần có trách nhiệm hơn”, ông Cương nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Hoa Cương chia sẻ câu chuyện về tên lửa vũ trụ đẩy Starship: ngày 13/10/2024, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tên lửa đẩy Starship đã được phóng lên và thu lại hoàn toàn bởi cơ cấu gắp của công ty SpaceX. Đây là lần đầu tiên tái sử dụng được các cơ chế cho việc phóng tên lửa, cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân cùng với công nghệ đã tư duy mạnh mẽ về tuần hoàn tái sử dụng lại tên lửa đẩy này. Điều này mang lại sự phát triển và tăng trưởng to lớn, vượt bậc của ngành vũ trụ. Việc tái sử dụng tàu phóng đã giúp tiết kiệm chi phí đẩy 1 kg lên vũ trụ từ 2.300 USD xuống chỉ còn 100 USD – giảm đến 96% chi phí. Đây sẽ là tiềm năng khổng lồ của kinh tế tuần hoàn cho mọi ngành.

 

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Đình Thọ cho rằng riêng ngành dệt may thế giới mỗi năm tiêu thụ 100 tỷ sản phẩm và thải ra 92 triệu tấn chất thải, tiêu thụ 93 tỷ m3 nước, 8-10% phát thải toàn cầu từ ngành dệt may. Bởi vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chung tay cùng thế giới thực hiện chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

 

Khởi tạo nền kinh tế mới: Động lực từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số - Ảnh 1

Nguồn VnEconomy

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 4, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 828 155 - Fax: 02073 822 603 - Email: xuctiendautu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép hoạt động số: 40/GP-TTĐT ngày 08/7/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://ipc.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang