Trong bối cảnh cải cách môi trường kinh doanh có dấu hiệu chậm lại, tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2024 cũng chậm hơn so với các năm trước. Ảnh: Đức Thanh |
Những bước chuyển từ tư duy
Nguyên tắc “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” sẽ có mặt trong Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) hào hứng chia sẻ về những nét chính của Dự thảo Nghị quyết mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ vào cuối tuần trước.
Là người đã đi cùng với các phiên bản Nghị quyết 02 từ những năm đầu tiên (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018; Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2022 và năm 2024), nên bà Thảo hình dung được ngay những tác động rất lớn từ nguyên tắc này trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.
“Lâu nay, cứ mỗi lần làm việc về cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý chuyên ngành, chúng tôi thường nhận được phản biện ‘cắt rồi, đơn giản rồi, thì quản lý nhà nước thế nào’. Hệ quả là có những nhiệm vụ, yêu cầu trong Nghị quyết nhiều năm vẫn chưa thực hiện được, nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh dù đã được chỉ ra, nhưng chưa được tháo gỡ. Thậm chí, có tình trạng chuyển sang các dạng thức khác, khiến nhiều cải cách trở nên hình thức… Nhưng với tư duy mới, được xác định ngay trong Nghị quyết, tôi tin việc thực thi sẽ có bước thay đổi lớn”, bà Thảo tin tưởng.
Có thể hình dung khá rõ những bước thay đổi này qua 4 quan điểm chính mà Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh.
Một là, mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp 2013. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo bỏ rào cản đối với doanh nghiệp, khơi thông đầu tư tư nhân; đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển.
Hai là, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện nghiêm yêu cầu về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; theo dõi, chấn chỉnh công tác thực thi, giải quyết thủ tục hành chính.
Bốn là, duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự trông đợi của doanh nghiệp
Điểm thứ tư trong quan điểm chỉ đạo tại Dự thảo Nghị quyết 02 là điều Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm trông chờ hơn cả.
Ngay phần góp ý cho Dự thảo Nghị quyết, VCCI đã thay mặt các doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ. “Chỉ đạo này từ Dự thảo Nghị quyết sẽ đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả hiện nay tiếp tục được chuyển hóa trong các sửa đổi trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ tinh thần quyết liệt và tiến bộ này”, VCCI gửi gắm.
Thậm chí, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, đã có ngay văn bản gửi Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và cả CIEM để làm rõ những quan ngại liên quan đến Dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi.
Trong đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra định hướng về nhóm chính sách “Quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm, trong đó tập trung vào các vấn đề về đăng ký và công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt”. Theo đó, dự kiến xóa bỏ các biện pháp quản lý đã được Chính phủ đánh giá là “rất tiên tiến, thay đổi căn bản trong cách thức quản lý an toàn thực phẩm” của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, để quay lại các biện pháp tiền kiểm của Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã bị bãi bỏ.
“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Y tế và Ban Soạn thảo xem xét không đưa vào Dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi các quy định tiền kiểm đã bị loại bỏ và trái với Nghị quyết của Chính phủ như đăng ký 100%, kiểm tra nhập khẩu 100% không theo quản lý rủi ro, kiểm tra định kỳ. Cùng với đó, sửa đổi theo hướng đưa các quy định tiên tiến của Nghị định 15/2018/NĐ-CP vào Dự thảo, cụ thể là các quy định về đăng ký bản công bố và tự công bố; kiểm tra thực phẩm nhập khẩu theo quản lý rủi ro 3 mức độ là chặt, thông thường và giảm”, ông Nam cho biết.
Sẽ không chỉ là “được làm những gì pháp luật không cấm”
Một cách thẳng thắn, khi đánh giá những bước cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024, các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ đều nhận diện sự chậm lại của cải cách môi trường kinh doanh.
Cụ thể, công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ít chuyển biến; thủ tục hành chính vẫn còn nặng nề, phức tạp và rườm rà; dịch vụ công trực tuyến mặc dù đã được cải thiện, nhưng chưa thuận tiện và chưa thông suốt, nhiều thủ tục trực tuyến triển khai còn mang tính hình thức...
Trong bối cảnh đó, tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2024 chậm hơn so với các năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, quy mô vốn và lao động trung bình trong doanh nghiệp đều thấp hơn so với các năm trước. Phát triển doanh nghiệp chưa đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhắc đến điều này khi nhìn nhận về những yêu cầu tới trong cải cách môi trường kinh doanh.
“Những năm dịch bệnh và sau đó, chúng ta nhìn nhận tỷ lệ doanh nghiệp rút lui cao là do nhu cầu tái cơ cấu của doanh nghiệp. Nhưng tình hình này kéo dài đến giờ thì cần phải đánh giá kỹ. Khó khăn của doanh nghiệp còn lớn, còn bất định, dù cơ hội thị trường có, quyết tâm tháo gỡ nút thắt thể chế rất quyết liệt. Lúc này, các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh cần phải được thực thi thực chất”, ông Hiếu nói.
Đặt yêu cầu về thực thi là điều ông Hiếu luôn nhấn mạnh khi trao đổi về cải cách môi trường kinh doanh. Cụ thể, mục tiêu đó phải là giảm chi phí tuân thủ, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp. Lần này, ông có kỳ vọng cao hơn.
“Có lẽ chúng ta cần hiểu sâu sắc hơn nguyên tắc từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Với tư duy này, cơ chế, chính sách sẽ không chỉ thay đổi theo hướng là người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, mà rộng hơn là được làm những gì pháp luật chưa quy định”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Cơ hội để các mô hình, những thử nghiệm kinh doanh mới bùng nổ cùng với xu hướng của thị trường. Nhưng ông Hiếu cũng chia sẻ, điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Trước tiên, sau khi Nghị quyết được ban hành, các chương trình, kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ phải được ban hành đúng thời điểm, dự kiến là trước ngày 30/1/2025.
Năm nhóm vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách trong năm 2025
- Tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự ánđầu tư.
- Nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiệnvà điều kiện kinh doanh.
- Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Nguồn: Dự thảo Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Nguồn Báo Đầu tư