Một số văn bản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được áp dụng từ quý II/2024

04/08/2024 - 21:59
355

         1. Danh mục ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp

         Danh mục ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp là nội dung được đề cập tại Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, cụ thể gồm:

      - Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí (như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,…); công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giầy;

            - Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học;

            - Các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển; dịch vụ kho bãi, đóng gói bao bì, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp và dịch vụ khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương với tổng diện tích không quá 10% diện tích cum công nghiệp;

            - Các ngành, nghề công nghiệp khác có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;

            - Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư được khuyến khích di dời vào cụm công nghiệp.
            Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 68/2017/NĐ-CP thì lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp gồm:

            - Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào cụm công nghiệp;

            - Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn;

            - Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành;

            - Sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương;

            - Các ngành, nghề, sản phẩm có thể mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương;

            - Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

            Nghị định 32/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024. Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 01/5/2024.

            2. Tổng cục Thuế yêu cầu quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử theo từng làn bán hàng đói với kinh doanh bán lẻ xăng dầu

            Đây là nội dung tại Công văn 837/TCT-DNL ngày 06/3/2024 về việc quyết liệt thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu do Tổng cục Thuế ban hành.

            Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế, đặc biệt là đồng chí Cục trưởng tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện lập HĐĐT từng lần bán hàng còn thấp (theo Phụ lục 02 đính kèm) trực tiếp, quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

            Đồng thời, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo; phân công, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, cán bộ công chức của Cục Thuế để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tăng cường hơn nữa năng lực giám sát và kịp thời hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thành công việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

            Cục Thuế chủ động thành lập các đoàn kiểm tra hoặc tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu về cơ quan thuế theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP , tiến hành xử phạt theo quy định pháp luật đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
            Chi tiết tại Văn bản số  837/TCT-DNL ban hành ngày 06/3/2024 của Tổng cục Thuế.

            3. Bổ sung Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thủy sản:

            Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản 2017, trong đó có bổ sung thêm quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thủy sản.

            Cụ thể, trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở:

            (1) Cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến khi cơ sở đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật thực hiện; cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan bằng bản giấy hoặc bản điện tử cho cơ quan kiểm tra hoặc tạm hoãn hoặc gia hạn có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, thời hạn kiểm tra duy trì.

            (2) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin, tài liệu, hình ảnh, hồ sơ cung cấp cho cơ quan cấp phép. Việc kiểm tra đánh giá thực tế sẽ được thực hiện sau khi các địa phương kiểm soát được thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật; thực hiện thu hồi ngay giấy phép đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

            (3) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung nghiệp vụ, kỹ thuật để thực hiện các biện pháp trong trường hợp cần thiết tại khoản (1) và (2) nêu trên.

            4. Hướng dẫn gửi nhận văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Ngày 15/02/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, hướng dẫn gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như sau:

- Văn bản điện tử quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT có giá trị pháp lý, làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân theo quy định của pháp luật.

- Thời điểm gửi, nhận văn bản điện tử được xác định căn cứ theo thời gian thực ghi lại trên Hệ thống. Văn bản điện tử đã gửi thành công được lưu trữ trên Hệ thống.

- Khi người sử dụng gửi văn bản điện tử trên Hệ thống, Hệ thống phải phản hồi cho người sử dụng về việc gửi thành công hoặc không thành công.

- Tổ chức tham gia Hệ thống đăng ký thành công trên Hệ thống được quyền truy xuất tình trạng văn bản điện tử của mình và các thông tin khác trên Hệ thống. Thông tin về lịch sử giao dịch được sử dụng để giải quyết tranh chấp (nếu có) về việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống.

- Tổ chức, cá nhân thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân không được yêu cầu cung cấp văn bản giấy khi việc tra cứu, truy xuất văn bản điện tử tương ứng có thể thực hiện được trên Hệ thống, trừ trường hợp cần kiểm tra, xác nhận bằng văn bản gốc.

Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024.

            5. Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao

            Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao được quy định tại Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 25/03/2024.

            Nghị định quy định khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

            Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.

            Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và các thủ tục liên quan theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu công nghệ cao.

            Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Kiều Anh – Tổng hợp

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 4, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 828 155 - Fax: 02073 822 603 - Email: xuctiendautu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép hoạt động số: 40/GP-TTĐT ngày 08/7/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://ipc.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang