Theo chia sẻ của ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam - doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư Hàn Quốc, DN của ông chuyên sản xuất các sản phẩm nghe nhìn cho ô tô và ốp lưng cho tivi OLED, đồng thời cũng là một nhà cung cấp cho LG Display. Heesung Electronics Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018. Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, đại diện Heesung Electronics Việt Nam cho biết, Việt Nam là một nơi có vị trí thuận lợi, không chỉ về mặt địa lý mà còn là địa chính trị; Chính phủ có nhiều hoạt động thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước; thị trường trong nước còn có tiềm năng lớn về mặt dân số và đặc biệt là tỷ lệ dân số trẻ cao.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 4 tháng qua. Cụ thể, tính đến 20/4/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 4/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư mới và giá trị các giao dịch góp vốn mua cổ phần cao hơn các tháng đầu năm 2024, số dự án đầu tư mới cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Mức tăng tổng vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2024 đạt 4,5%. Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới còn Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn. |
Đại diện Heesung Electronics Việt Nam cho biết, DN này phải mất hơn một năm để chọn quốc gia đặt nhà máy. “Vào thời điểm đó, chúng tôi đã phân tích những ưu và nhược điểm giữa Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Chúng tôi so sánh dân số, chính sách của Chính phủ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng và thấy rõ rằng Việt Nam chính là điểm đến lý tưởng. Và tôi biết rằng, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài khác hiện cũng đang thực hiện loại nghiên cứu khả thi tương tự như vậy”, ông Ko Tae Yeon cho hay.
Chia sẻ về về việc lựa chọn Hải Phòng là nơi đặt trụ sở sản xuất, ông Ko Tae Yeon cho biết, việc chọn lựa này phụ thuộc vào sản phẩm sản xuất và phương thức vận tải phục vụ cho việc xuất khẩu. Theo quan sát, phần lớn các DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào thành phố này chủ yếu xuất khẩu qua đường biển chứ không phải đường hàng không. So sánh giữa Samsung ở Bắc Ninh và LG ở Hải Phòng, ông Ko Tae Yeon cho rằng, tại Samsung, sản phẩm chính của họ là điện thoại di động nên họ cần được đặt gần sân bay hơn. Trong khi đó, sản phẩm chủ lực của LG trước đây là máy giặt, tivi và hiện nay là linh kiện ô tô, chủ yếu được xuất khẩu bằng đường biển. Thêm vào đó, Hải Phòng có lợi thế là có hệ thống logistics hoàn chỉnh với hệ thống cảng biển thuận lợi. Quan trọng hơn, lãnh đạo thành phố quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin về kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đại diện Heesung Electronics Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán, nhưng có điều chắc chắn rằng, trong thời gian tới nhiều DN sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội ở đây và công ty chúng tôi vẫn đang cố gắng mở rộng và nắm bắt cơ hội này. Trong ngắn hạn, chúng tôi có thể cam kết rằng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở Hải Phòng”, ông Ko Tae Yeon cho biết.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 tại Hà Nội mới đây, ông Liu Yang Wang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Solex Hight - Tech Industries Việt Nam cho biết, DN đã tiến hành khảo sát tại nhiều quốc gia tại thị trường Đông Nam Á, nhưng sau đó lại quyết định chọn Quảng Ninh (Việt Nam) để đầu tư nhà máy sản xuất.
Lí do Công ty TNHH Solex Hight - Tech Industries Việt Nam quyết định chọn đặt nhà máy tại Việt Nam là chuỗi cung ứng các ngành sản xuất của Việt Nam hiện đã khá hoàn thiện, bên cạnh đó lực lượng lao động của Việt Nam ổn định, đa số là lao động trẻ, có nhiều kỹ năng. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng khá gần, thuận tiện cho việc đi lại và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ông Liu Yang Wang cho biết, Solex Hight - Tech Industries là DN của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và rất nhiều DN uy tín hàng đầu của tỉnh Phúc Kiến đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Nhận định về xu hướng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Liu Yang Wang cho biết, đang có rất nhiều DN tỉnh Phúc Kiến muốn sang Việt Nam để đầu tư.
Chia sẻ dưới góc độ DN tư vấn, ông Châu Hoành, Đại diện Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam - một DN Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực tư vấn cho các DN Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư cho biết, DN của ông đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2017. Từ đó đến nay, DN này đã tư vấn thành công cho hơn 100 DN Trung Quốc sang Việt Nam thuê đất tại các khu công nghiệp mở nhà máy sản xuất kinh doanh. Nhận định về triển vọng thu hút đầu tư của các DN Trung Quốc vào Việt Nam. Ông Châu Hoành cho rằng, đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, máy móc, khách sạn nhà hàng và chăm sóc sức khoẻ.
Theo haiquanonline.com.vn