Năm 2020, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp FDI tỏ ra thận trọng hơn trong việc tăng quy mô vốn đầu tư. Chỉ có 8% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2020 so với mức 10% của năm 2019, và những con số này đều giảm so với mức đỉnh 13% của năm 2017.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng quy mô lao động sụt giảm xuống 55% so với mức 62% của năm 2019. Song việc vẫn có hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI-FDI năm nay cho biết có tăng quy mô lao động cho thấy họ tin tưởng vào các nỗ lực kiềm chế sự lây lan của đại dịch của Chính phủ và các tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tác động của dịch thể hiện rõ trên số liệu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI. Trong khi năm 2019 phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động có lãi thì năm 2020, con số này chỉ còn là 43%. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ cũng tăng mạnh, từ 34% năm 2019 lên đến 47% năm 2020.
Năm 2020 cũng là năm ghi nhận hiệu quả hoạt động kém nhất của khối doanh nghiệp FDI trong suốt những năm điều tra PCI-FDI. Dịch bệnh gần như đã làm gián đoạn hầu hết các hoạt động kinh tế. Doanh thu trung vị của các doanh nghiệp FDI cũng sụt giảm từ 0,93 triệu USD năm 2019 xuống chỉ còn 0,67 triệu USD – mức thấp nhất kể từ năm 2012. Chi phí trung vị của khối này cũng giảm xuống 1,28 triệu USD so với 1,51 triệu USD năm 2019.
Dịch bệnh khiến tình hình kinh tế trở nên bất trắc và tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động cũng như triển vọng phát triển của doanh nghiệp FDI. Nhiệt kế doanh nghiệp FDI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh đã giảm hơn 12 điểm phần trăm, từ 53% năm 2019 xuống 40,8% năm 2020. Sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2012-2013.
Dưới tác động mang tính toàn cầu của đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các doanh nghiệp chỉ tập trung thị trường nội địa (không xuất khẩu).
Các doanh nghiệp này có thể chiếm mất thị phần của các nhà cung ứng trong nước và cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu (Malesky, Phan, & Pham 2019). Tuy nhiên, trong báo cáo PCI 2019, đã có một số tín hiệu ban đầu về hiện tượng chững lại của xu hướng giảm quy mô nói trên (Malesky & Pham 2020). Đáng tiếc là dưới các tác động của COVID-19, xu hướng này có dấu hiệu quay trở lại trong năm 2020. Báo cáo PCI vài năm gần đây cũng cảnh báo về dấu hiệu quy mô doanh nghiệp FDI giảm dần theo thời gian. Trong khi số lượng doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng lên, quy mô vốn đầu tư và lao động trung bình của khối này đang có xu hướng thu nhỏ dần. Một số chuyên gia khác cũng đã cảnh báo về việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam với vai trò vệ tinh – cung ứng cho các dự án FDI lớn.
Lần đầu tiên trong 11 năm điều tra PCI-FDI, tỷ lệ doanh nghiệp có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%, chính xác là 10,8% so với mức 9,1% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6 lên 11,3%.
Dấu hiệu đảo ngược này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng chỉ là 9,8%. Một năm sau, con số này tăng lên mức cao kỷ lục 13,1%. Với nhóm doanh nghiệp lớn, chỉ có 3,7% doanh nghiệp FDI có số vốn chủ sở hữu từ 200 đến 500 tỷ đồng, và chỉ 4,6% doanh nghiệp có số vốn trên 500 tỷ đồng. Cũng như ở các nước khác, dường như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã buộc phải cắt giảm quy mô lao động và ngừng đầu tư để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn.