Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần làm rõ hiệu quả ưu đãi thuế với đại bàng

22/11/2024 - 22:24
355

Về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Cơ quan thẩm tra cho rằng cần làm rõ hiệu quả chính sách ưu đãi thuế với nhà đầu tư lớn vì dù được ưu đãi đặc biệt, nhà đầu tư lớn vẫn phải nộp thuế TNDN bổ sung 15%.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

 

Cần làm rõ hiệu quả chính sách ưu đãi thuế với "đại bàng"

Sáng nay (22/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). 

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) quy định rõ và chi tiết hơn đối tượng ưu đãi thuế TNDN (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi).

Theo đó, dự thảo bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế TNDN (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tại Luật Đầu tư năm 2020, bao gồm: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; hoạt động báo chí khác (ngoài báo in).

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp; về tiêu chí ưu đãi và việc áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng... 

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị làm rõ hơn về các điều kiện các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được quy định trong dự thảo Luật căn cứ theo tổng số vốn đầu tư. Dự thảo Luật chỉ quy định thời gian phải bảo đảm giải ngân 1/3 tổng số vốn đầu tư và chưa quy định thời gian để bảo đảm giải ngân hết đối với 2/3 tổng số vốn đầu tư còn lại. Vì vậy, sẽ không có căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý thuế thực hiện hậu kiểm và chưa bảo đảm tính tổng thể và sự chặt chẽ của quy định pháp luật. 

Về ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng, đa phần ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo theo hướng bỏ yêu cầu phải hạch toán riêng đối với phần  thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, thì dự thảo Luật tiếp tục quy định đầu tư mở rộng phải thực hiện hạch toán riêng để được hưởng ưu đãi như một dự án mới. Quy định này chưa giải quyết được vấn đề bất cập hiện hành và có thể khuyến khích các doanh nghiệp trì hoãn việc đầu tư mở rộng để được hưởng gói ưu đãi lớn hơn như một dự án đầu tư mới. 

Nhiều khoản thu nhập được miễn thuế TNDN:

Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành; thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh; từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Về ưu đãi thuế TNDN đối với các nhà đầu tư mới thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, dự thảo Luật bổ sung các chính sách ưu đãi thuế đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho rằng, với hiệu lực của Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế TNDN bổ sung (thuế tối thiểu toàn cầu) thì đồng thời với việc được hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế đặc biệt, các nhà đầu tư lớn (có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro/năm) sẽ vẫn phải nộp thuế TNDN bổ sung ở mức 15%.

Thực thế này, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn về hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư lớn, khi vừa thực hiện ưu đãi đặc biệt vừa thu lại thuế bổ sung.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để không tạo ra chi phí quản lý và các thủ tục hành chính không cần thiết cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư khác phù hợp và hiệu quả hơn.  

Doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cũng phải nộp thuế TNDN

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam; cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

Dự thảo cũng bổ sung quy định các khoản thu nhập khác (ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính) của doanh nghiệp nói chung, các khoản thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài (có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) và khoản thu nhập ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó khoản thu nhập ở nước ngoài phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) tại Nghị quyết số 107/2023/QH15.

Tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên sẽ  đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện thu, nộp, quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Báo cáo thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ khả năng thu thuế TNDN trên thực tế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, làm rõ tính phù hợp của quy định trên so với các quy định trong các Hiệp định thuế đã được ký kết.  

Ưu đãi thuế với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: Cân nhắc tránh trục lợi chính sách

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo là bổ sung mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng (không áp dụng với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty liên kết để hạn chế xói mòn cơ sở thuế).

Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% nêu trên là tổng doanh thu của kỳ tính thuế TNDN trước liền kề; Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng cho phù hợp với yêu cầu quản lý.    

Với nội dung này, trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với tiêu chí về doanh thu quy định tại dự thảo Luật vì việc xác định doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là rất rộng, không đảm bảo chính sách áp dụng đúng đối tượng cần ưu đãi.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất chỉ áp dụng đối với các ngưỡng doanh thu trên thay vì áp dụng với tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật không nên quy định quá nhiều mức thuế suất ngoài mức thuế suất phổ thông và mức thuế suất ưu đãi 10% vì sẽ gây khó khăn, phức tạp trong thực hiện, nhất là việc quy định chỉ căn cứ vào tiêu chí doanh thu mà doanh thu lại là chỉ tiêu biến động hàng năm, dễ dàng điều chỉnh để thuộc diện được hưởng mức thuế suất ưu đãi hơn, có thể dẫn đến lợi dụng chính sách để trục lợi, gây thất thu thuế.   

Nguồn Báo Đầu tư

 

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 4, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 828 155 - Fax: 02073 822 603 - Email: xuctiendautu@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép hoạt động số: 40/GP-TTĐT ngày 08/7/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (https://ipc.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang