Sara Johnson - Giám đốc điều hành kinh tế toàn cầu tại IHS Markit cho biết, kinh tế thế giới có khả năng phục hồi nhanh hơn trong năm 2021 khi lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu từ đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc nhờ vắc xin phòng ngừa dịch bệnh đang được triển khai nhanh chóng và rộng khắp.
Mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại về việc xuất hiện các biến chủng mới của virus gây dịch COVID-19, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các chủng đột biến mới có thể vô hiệu hóa hiệu quả của vắc xin. Bên cạnh đó, các quốc gia đã có kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch bệnh, cùng với việc ngày càng có nhiều phương pháp xét nghiệm rẻ, nhanh và chính xác cho phép nhiều nền kinh tế tiến hành mở cửa trở lại.
“Nhiều khả năng, các nền kinh tế sẽ dần dần khôi phục lại, mở ra một làn sóng chi tiêu mới cho du lịch và dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2021”, chuyên gia Johnson đánh giá.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của tổ chức OECD cũng lạc quan về việc nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt được đà tăng trưởng cho đến năm 2022 nhờ việc đối phó tốt hơn với dịch bệnh COVID-19 nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, dược phẩm và sự điều chỉnh trong hành vi của người dân và doanh nghiệp, dẫn đến loại bỏ dần biện pháp đóng cửa nền kinh tế.
Đồng thời, những biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên toàn thế giới đang khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như thúc đẩy các nền kinh tế phục hồi.
Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 đa tạo điều kiện để các quốc gia đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực số hóa. Hiện nhiều quốc gia từng bước hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, các ứng dụng 5G sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào năm 2021, báo trước sự ra đời của kỷ nguyên mới của "Internet vạn vật", mở ra nhiều triển vọng mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dần phát triển thành nền tảng chính cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
Tuy nhiên, các dự báo kinh tế từ các tổ chức và chuyên gia quốc tế cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các khu vực sẽ không đồng đều. Các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây sẽ diễn ra chậm hơn.
Trong khi Trung Quốc được IHS dự báo sẽ phục hồi trong quý II năm 2020, thì ở Nhật Bản và một số nền kinh tế lớn của châu Âu được dự báo sẽ phải đợi đến năm 2023 hoặc 2024.
Ngoài ra, một số rào cản khác cũng cần quan tâm như tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm ở hầu hết các khu vực vào năm 2021, Tây Âu dự kiến sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khi nguồn tài trợ công cho các chương trình cứu trợ giảm dần, các nhà phân tích tại IHS Markit tiết lộ trong báo cáo mới nhất.
Hiện nay, báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10/2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020, theo đó kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4%, thu hẹp hơn so với mức dự báo trong bản cập nhật hồi tháng 6.
Trước mắt, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nếu các quốc gia có sự chủ động phối hợp, phòng chống tích cực và chia sẻ nguồn vắc xin thì có thể cơ bản khống chế được đại dịch trong năm 2021, mang lại cơ hội phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Theo Diễn đàn kinh tế