Từ đầu năm đến nay, dù kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, thách thức song thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực. Đến hết tháng 10, theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 27,26 tỷ USD; tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện ước đạt 19,58 tỷ USD; tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đã có một số dự án trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng… đăng ký mới hoặc mở rộng đầu tư.
Nhìn tổng thể chung, vốn FDI đăng ký mới tăng chậm nhịp hơn so với năm ngoái có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch của năm đã được đề ra. Dự kiến, năm nay, vốn FDI đạt tương đương con số năm 2023, khoảng 39 - 40 tỷ USD. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2024, thu hút FDI cần hơn 10 tỷ USD mới hoàn thành mục tiêu.
Tuy nhiên, nhận định về dòng vốn FDI những tháng cuối năm, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: dự kiến đến hết năm, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Nhiều khả năng con số mục tiêu đề ra sẽ thành hiện thực.
Cơ sở cho nhận định trên, theo ông Phan Hữu Thắng, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực và kinh tế vĩ mô ổn định; các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam; chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia hay hợp tác - liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn…
Đây cũng là nhận định được các nhà đầu tư châu Âu khẳng định trong báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 3/2024 vừa được Eurocham công bố. Theo đó, chỉ số BCI của Việt Nam đã tăng từ 45,1% trong quý 2 lên 52% trong quý 3 năm nay.
BCI được cải thiện từ niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhất là từ những nỗ lực thúc đẩy sáng kiến xanh, cam kết về năng lượng tái tạo và thoả thuận mua bán điện trực tiếp. Cụ thể, 69% doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam; gần 80% doanh nghiệp có từ 1-3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ riêng Việt Nam, triển vọng thu hút FDI vào khu vực châu Á vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng, nhất là tại các quốc gia có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực với mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng như các nước ASEAN. Trong 3 năm liên tiếp gần đây, FDI vào ASEAN ghi nhận tăng trong bối cảnh chung toàn cầu giảm.
Bên cạnh những cơ hội, ông Phan Hữu Thắng chỉ ra một số thách thức có thể tác động đến thu hút FDI như triển vọng kinh tế thế giới năm nay được dự báo sẽ phục hồi yếu với nhiều rủi ro, thách thức lớn do bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi, tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
Triển vọng đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể sẽ có nhiều bất định hơn. Báo cáo Đầu tư quốc tế năm 2024 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) chỉ rõ, dòng vốn đầu tư toàn cầu đã giảm 2% còn 1.300 tỷ USD trong năm 2023, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp FDI toàn cầu suy giảm. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp.
Trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư ngày càng gay gắt, tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.
Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao… Bên cạnh đó, dự kiến trong kỳ họp Quốc hội lần này, chính sách “luồng xanh” đầu tư dự kiến được thông qua kỳ vọng mang lại cú hích cho đầu tư nước ngoài.
Theo diendandoanhnghiep.vn