Tổng quan tình hình thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2021

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2026.

Tỉnh đã duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; Tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân" kỳ tháng 01/2021 và Công bố chỉ số (DCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2020; Tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp tháng 4/2021 và Công bố Chỉ số (PCI) tỉnh Tuyên Quang năm 2020.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.

(Ảnh sưu tầm)

Môi trường đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực: Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng dần, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019; Chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) xếp thứ 12, tăng 34 bậc so với năm 2019.

Trong năm 2020, tỉnh đã thu hút nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Dự án Nhà máy sản xuất giày Kiến Xương Tuyên Quang tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương của Công ty hữu hạn An Giai/Samoa; Chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát lập đề xuất dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy may công nghệ cao Tuyên Quang LGG 3 tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên của Công ty cổ phần Tổng công ty may Tuyên Quang LGG; dự án sân golf và dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Golf Tuyên Quang; dự án Khu đô thị mới tại tổ 12, phường An Tường và thôn 4, thôn 5, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch sinh thái Na Hang của Công ty TNHH Sơn Phú Global;…

Tiếp tục hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thương mại GO!; Hỗ trợ Công ty TNHH Ngọc Hà khảo sát địa điểm thực hiện dự án nhà máy điện thủy - khí nén Kinetic Tuyên Quang; Công ty TNHH Leverages Career Việt Nam về lĩnh vực, dự án phát triển nguồn nhân lực du học sinh Nhật Bản; Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nghiên cứu các dự án về năng lượng điện mặt trời; Công ty Cổ phần BSR Việt Nam về Dự án “Nhà máy xử lý chất thải thành phần hữu cơ và tạo điện năng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang” để vận động vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc; Công ty Delta E&C nghiên cứu triển khai 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Na Hang và Nhà máy chế biến Cam tại tỉnh.

Kết nối, tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc cũng như đón tiếp đoàn công tác của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam: Chương trình làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Việt Nam tại một số nước Châu Âu nhiệm kỳ 2020-2023; Chương trình làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc; Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông vì sự phát triển bền vững (CSD) và Tổ chức AEFA/Nhật Bản; Liên Chi hội Doanh nhân Quốc tế và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông sản, hoa quả xuất khẩu; Công ty Cổ phần BSR Việt Nam; Tập đoàn Delta E&C Japan...

Tỉnh Tuyên Quang làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc

Cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh gửi Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn khách nước ngoài, đoàn khách quốc tế để quảng bá, giới thiệu về tỉnh. Tổ chức/tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh: Tổ chức Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021 và Công bố Chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên tại tỉnh Tuyên Quang; Tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Chương trình “ Lễ hội Kích cầu Du lịch và giới thiệu Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021”; Tổ chức Chương trình khảo sát và tọa đàm kết nối doanh nghiệp, hưởng ứng Chương trình Kích cầu du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2021; Tham gia khảo sát trong Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XII năm 2021 tại tỉnh Thái Nguyên. Tham dự Hội nghị, Hội thảo của các Bộ, ban, ngành tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến hợp tác đầu tư từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Chương trình làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Việt Nam tại một số nước Châu Âu nhiệm kỳ 2020-2023; Chương trình làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc; Diễn đàn “Nhịp cầu phát triển 2021” tại Hà Nội, Diễn đàn “Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc – Tầm nhìn 2020-2030”.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Diễn đàn “Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc – Tầm nhìn 2020-2030”.

Xây dựng Đề án thu hút đầu tư trên địa tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021, 2022, định hướng đến năm 2025 của tỉnh Tuyên Quang; Tổng hợp danh mục dự án mời gọi đầu tư và dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm, các clip giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc,... để phục vụ công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (tiếng Anh, tiếng Việt) với 200 tin, bài và 1.235.515 lượt truy cập.

Kết quả, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/5/2021 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 186 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 1.930,69 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.862 doanh nghiệp (bao gồm 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký 19.229,27 tỷ đồng. Chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.112,8 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên 327 dự án với tổng số vốn 49.867,7 tỷ đồng.

Để phát huy kết quả đạt được, tỉnh Tuyên Quang cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phương thức thiết thực hiệu quả, tập trung vào ba khâu đột phá theo Nghị quyết của Đại hội: Một là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Hai là, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như:

Khai thác tiềm năng, nguồn lực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối (chú trọng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), hạ tầng Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn.

Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghệ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu khai thác thị trường để phát triển chuỗi cung ứng, mục tiêu là các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singappore, Thái Lan.

Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo gắn với đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Thiết kế công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như chuỗi giá trị cây công nghiệp cam, chè, cây lâm nghiệp…; Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật,...

Lễ hội Đền Hạ

Để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Phấn đấu trong năm 2022, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 3.500 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2021.

Với tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư kinh doanh tốt có ý nghĩa rất quan trọng để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững. Sự có mặt của các nhà đầu tư trong, ngoài nước tại Tuyên Quang trong những năm qua và sắp tới cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh và hứa hẹn sẽ mang lại một triển vọng mới trong phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hiền Lan

Tin cùng chuyên mục