Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021: Kết nối địa phương - doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 với chủ đề: “Kết nối địa phương - Doanh nghiệp, nắm bắt những cơ hội mới”, là nơi trao đổi về xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới, khuyến nghị các giải pháp nắm bắt cơ hội đối với các địa phương.

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND Tp Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, cùng đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc

Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự của các đại sứ, đại diện các quốc gia tại Việt Nam, trưởng, phó đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại, chủ tịch/phó chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là Diễn đàn mở có quy mô lớn đầu tiên tập trung sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo và đánh giá về các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng những thay đổi của bối cảnh kinh tế thế giới mới, cũng như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).

Ý kiến của Chủ tịch, phó chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp Anh (Britcham), và Eurocham đều cho rằng, các hiệp định FTAs quan trọng mà Việt Nam đang thực thi đã tạo sức hút lớn đối với các dòng đầu tư nước ngoài từ các thị trường hưởng lợi trong các hiệp định vào Việt Nam.

Thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên đáng kể trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề quan trọng để giai đoạn tới các “cơ duyên” hợp tác của các địa phương của Việt Nam với các nhà đầu tư, cũng như giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn nữa.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) và Trưởng đại diện Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) cũng đánh giá cao tiêu chí “cứ điểm an toàn và phát triển” của Việt Nam.

Sự chuyên nghiệp và minh bạch tạo thuận lợi của các địa phương của Việt Nam đang tạo động lực lớn để các nhà đầu tư dịch chuyển hoặc/và mở rộng đầu tư những dự án “đầu não” với hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam.

Với chủ đề "Kết nối địa phương – doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội mới", phiên thảo luận của diễn đàn dự kiến thu hút sự tham gia chia sẻ của nhiều lãnh đạo địa phương, cùng đại diện các hiệp hội xúc tiến thương mại và doanh nghiệp.

Phiên thảo luận tập trung vào các nội dung chính gồm: Nhận diện bối cảnh và đánh giá cơ hội dịch chuyển đầu tư; xác định chiến lược thu hút đầu tư, đón dòng dịch chuyển mới phù hợp với chủ trương quy hoạch phát triển và tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Những sáng kiến và giải pháp trên thực tiễn đã được các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp vượt qua thách thức, hoạt động có hiệu quả, tăng cường mở rộng quy mô đầu tư.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, Đại diện các tỉnh, thành đã gửi đến những thông điệp ngắn gọn nhưng đầy hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đoàn Đại biểu tỉnh Tuyên Quang tham dự Diễn đàn

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, đã diễn ra 2 lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Đó là Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam về bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương Việt Nam và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ kết nối với các địa phương Việt Nam.

Trước ảnh hưởng của Đại dịch Covid - 19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn lớn đang tìm cách dịch chuyển dòng vốn FDI và lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Đồng thời, những quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam tiếp tục có chính sách mở rộng đầu tư. Đây là thách thức, cũng là cơ hội để Việt Nam, các địa phương của Việt Nam tạo ra những năng lực thể chế mới để đón nguồn FDI thế hệ mới đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần: “Trong thành công của Doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền”.

Sau Diễn đàn, các địa phương Việt Nam sẽ có cơ hội để kết nối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp quốc tế trao đổi thúc đẩy hợp tác thiết thực, góp phần phát triển kinh tế địa phương trong thời kỳ mới.

Hiền Lan - XTTH

Tin cùng chuyên mục