Thông báo kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Tuyên Quang

Ngày 14 tháng 8 năm 2021, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Tuyên Quang) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đánh giá kết quả thực hiện cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2021và triển khai Kế hoạch khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (DDCI) năm 2021. Sau khi nghe các đại biểu tham gia ý kiến thảo luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận một số nội dung trọng tâm sau:

Về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2021, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã tích cực trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; một số Sở, ngành đã có những cách làm hay, sáng tạo và bước đầu đạt được kết quả tích cực, như; Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh,... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn có một số những hạn chế, tồn tại như trong báo cáo đã đề cập. Trong bối cảnh chung vẫn còn có những khó khăn thì việc quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ hết sức cần thiết, đòi hỏi các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo PCI tỉnh yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 13/01/2021 và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 16/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, triển khai kịp thời và nghiêm túc các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất và phản ánh của doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường,...; tập trung và quyết tâm thực hiện nhằm nâng cao điểm số của những chỉ số thành phần đạt điểm thấp của năm 2020, như: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; mặt khác, tiếp tục có những giải pháp để nâng cao điểm số của các Chỉ số thành phần khác để điểm số của PCI của năm 2021 đạt mục tiêu đề ra.

- Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thì việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cần được các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm và giải quyết. Trong đó, có liên quan đến tất cả 10 Chỉ số thành phần trong Chỉ số PCI, như các Chỉ số: Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Công Thương, Sở Kế hoach và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động-Thương binh và xã hội); Chỉ số Gia nhập thị trường (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, BQL các Khu công nghiệp tỉnh); Chỉ số Tiếp cận đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện, thành phố); các chỉ số: Chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Tính minh bạch (Liên quan đến tất cả các sở, ngành và UBND huyện, thành phố),…

- Thực hiện nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tạo sự gắn kết trong việc nâng cao các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI,…; coi trọng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện; xác định đúng trách nhiệm của cơ quan làm đầu mối chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. - Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Giao Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCI tỉnh) tiếp thu ý kiến tham gia tại cuộc họp, hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2021 để ban hành theo quy định.

Về dự thảo Kế hoạch khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (DDCI) năm 2021 Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh hoan nghênh Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án và Kế hoạch khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (DDCI) năm 2021.

- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, rà soát và hoàn thiện Kế hoạch khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (DDCI) năm 2021 để triển khai thực hiện. Lưu ý:

+ Kế hoạch phải được cụ thể hóa từ Đề án Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

+ Rà soát lại đối tượng khảo sát theo nhóm cụ thể, xác định rõ đối tượng lấy ý kiến đảm bảo số lượng, đề ra tiêu chí sát với điều kiện thực tế của tỉnh và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong năm 2021.

+ Tính toán, xác định phương pháp và hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá DDCI năm 2021 trên cơ sở bổ sung, hiệu chỉnh kết quả đánh giá, rút kinh nghiệm từ việc xây dựng phương pháp luận và hệ thống chỉ số, tiêu chí đánh giá DDCI năm 2020 và quá trình điều tra, khảo sát, kết quả phân tích DDCI năm 2020 đảm bảo phù hợp với tình hình, bối cảnh thực tiễn năm 2021 của tỉnh và đảm bảo yêu cầu đặt ra.

+ Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan, minh bạch và thực chất; đồng thời là căn cứ để các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp thu góp ý của doanh nghiệp, nhà đầu tư để từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, và là tiêu chí để làm cơ sở cho việc đánh giá, xếp loại hằng năm của cơ quan, đơn vị.

+ Thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo kênh thông tin minh bạch để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền,…

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định kinh phí khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh (DDCI) năm 2021, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện theo quy định.

Hiền Lan

Tin cùng chuyên mục