Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội sau khi Việt – Mỹ thành đối tác chiến lược toàn diện

Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để dạt được kết quả tích cực doanh nghiệp Việt cần phải sẵn sàng đối mặt với thách thức và có sự chuẩn bị lâu dài…
Bưởi là một trong các loại trái cây thu về lợi nhuận khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ - Ảnh minh họa
Bưởi là một trong các loại trái cây thu về lợi nhuận khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ - Ảnh minh họa

Tại chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA lần thứ 72 với chủ đề “Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho rằng việc hai nước Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thời cơ, vận hội mới.

NHIỀU CƠ HỘI THUẬN LỢI

Hiện tại, Việt Nam có quan hệ hợp tác với hơn 200 quốc gia, có hơn 50 nước ký kết đối tác chiến lược và có 5 nước có ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước, doanh nghiệp cần phải nhận thức đúng từng cấp quan hệ, để từ đó tận dụng cơ hội, đồng thời cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, việc xác lập quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.

“Xác lập mối quan hệ mới này sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp cận được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật tân tiến nhất của Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội mới, cũng như nhiều thách thức. Vì vậy, cần có sự sự chuẩn bị thật kỹ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho biết việc Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden là một dấu ấn quan trọng của lịch sử.

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam rất cần cho Hoa Kỳ và ngược lại. Điều này thể hiện qua giá trị kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu hai chiều liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Hiện, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD (năm 1995) lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Mỹ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

Tháng 3/2023 vừa qua, đoàn đại diện của hơn 50 tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm những cái tên nổi bật như SpaceX, Netflix và Boeing… đã đến Việt Nam để tìm kiếm thị trường đầu tư và kinh doanh, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào quốc gia khác.

Động thái này được thúc đẩy do tiềm năng của Việt Nam - một quốc gia với số dân 100 triệu người cùng thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng do tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Điều này là một điểm quan trọng về khả năng thu hút các dự án FDI đến từ Mỹ và các quốc gia có mối quan hệ kinh tế chính trị tốt với Mỹ.

VƯỢT RÀO CẢN, CÓ SỰ CHUẨN BỊ LÂU DÀI

Theo ông Trần Phước Anh, khi nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thấy nhiều tiềm năng đầu tư tại Việt Nam. Mỹ nhận thấy Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, đồng thời dự báo vai trò này sẽ còn tăng lên trong tương lai.

“Việt Nam có vị trí thuận lợi và khả năng cao trong thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang dịch chuyển từ quốc gia khác sang”, ông Phước Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phước Anh nhận định với nguồn vốn dồi dào, chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị tốt, công nghệ cao, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để có thể chinh phục các doanh Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều rào cản về thương mại, việc bảo hộ sản phẩm.

Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, từng bước nghiên cứu, nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Song song đó, TS.Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết Việt Nam cần quan tâm đến một số nội dung quan trọng cần được doanh nghiệp Việt Nam chú trọng khi quan hệ hai nước Việt - Mỹ được nâng cấp.

Trong đó, cần  tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước; Việt Nam có đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường; có thêm bước tiến đáng kể về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng.

Đồng thời, tôn trọng các quyền của người lao động được quốc tế công nhận dựa trên tuyên bố về nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); thúc đẩy hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hợp tác hàng không; cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất…

Tin cùng chuyên mục