Cần có giải pháp phát huy lợi thế, đầu tư khai thác, chế biến quả cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang

Quả cam Hàm Yên là một loại cam khi chín có vị ngọt đậm, hơi chua. Vỏ ngoài quả cam có hình thù hơi xù xì, trông như da sành (các sản phẩm ngành gốm), do vậy nó có tên “cam sành”. Sau đây là những thông tin chi tiết về quả cam sành Hàm Yên được công bố bởi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Cam sành Hàm Yên được trồng ở đâu?

Địa hình huyện Hàm Yên chủ yếu là núi đất (chiếm 91,36% diện tích), trong đó núi đá chiếm khoảng 8,64% diện tích núi đồi, phân bố chủ yếu ở các xã: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Phù Lưu, Minh Hương, Thái Sơn, Thái Hoà, Yên Phú. Đây là khu vực có địa hình đặc trưng với 2 dãy núi cao và thung lũng bị chia cắt mạnh, độ cao trung bình 650 mét trên mực nước biển. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 90.092,53 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 11.403 ha, chiếm 12,66%, đất lâm nghiệp có 68.193,67 ha, chiếm 75,69%, diện tích nuôi trồng thuỷ sản có 403,85 ha, chiếm 0,45%, các loại đất khác có 10.092,01 ha, chiếm 11,2%, độ che phủ rừng là 60,03%. Về hệ thống sông ngòi phục vụ cho tưới tiêu, hệ thống sông ngòi ở huyện Hàm Yên có mật độ khá dầy, với tổng chiều dài khoảng 455km, có sông lô chảy qua địa phận huyện với chiều dài 68,8km.

Cam sành Hàm Yên được trồng tại các xã: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Yên Lâm, Minh Dân, Phù Lưu, Minh Hương, Yên Phú,  Tân Thành, Bình Xa, Thái Sơn, Nhân Mục, Thành Long, Bằng Cốc, Thái Hoà, Đức Ninh, Hùng Đức và thị trấn Tân Yên thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ở những xã này có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho sự phát triển của cây cam với đặc điểm địa hình có độ dốc thoai thoải, cấu tạo đặc trưng của đất đỏ vàng phong hoá từ đá sét và đá mắc ma. Đây là loại đất có màu mỡ, giàu dinh dưỡng, giữ nước, tốt cho cây trồng, chất đất chua, hàm lượng oxit sắt và nhôm cao, tầng đất dày, kết cấu xốp và dễ vỡ.

Đặc điểm khí hậu của vùng cam sành Hàm Yên

Khí hậu vùng trồng cam sành Hàm Yên phân thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 độ C; lượng mưa trung bình năm từ 1.600 - 1.800 mm, tập trung nhiều vào mùa mưa giúp cây cam sành phát triển quả thuận lợi, mùa khô có độ ẩm thấp, lượng mưa ít, nhiệt độ thấp phù hợp với quá trình thu hoạch quả và ra hoa, đậu quả cho mùa vụ tiếp theo. Điều kiện khí hậu kết hợp với các yếu tố về thổ nhưỡng, chịu sự ảnh hưởng lớn của địa hình giúp cho vùng trồng cam Hàm Yên có đầy đủ các yếu tố để tạo ra sản phẩm cam sành có chất lượng đặc thù.

Đặc điểm của quả cam sành Hàm Yên

Quả Cam sành Hàm Yên có rất mùi thơm do trong vỏ quả có chứa nhiều hàm lượng tinh dầu cam. Quả cam có trọng lượng từ 280,41 gram đến 344,89 gram, đường kính quả từ 8,04 cm đến 9,20 cm, chiều cao quả từ 6,08 cm đến 7,80 cm. Độ dày vỏ từ 3,20 mm đến 5,99 mm, màu cam đậm. Trong quả có nhiều hạt, dao động từ 20 – 25 hạt/quả. Khi quả chín, vị cam Hàm Yên ngọt thanh, chua nhẹ, không gắt, không chát. Hàm lượng nước trong cam sành Hàm Yên khá lớn từ 86,14 % đến 91,99 %, hàm lượng axit tổng số từ 0,60 % đến 0,99 %, hàm lượng đường tổng số từ 8,00 % đến 9,87 %, hàm lượng vitamin C từ 40,21 mg/100g đến 49,97 mg/100g, độ Brix từ 9,03 obx đến 10,96 obx[1].

Quả cam được bán ở đâu, có thể đầu tư nhà máy sản xuất nước ép cam được không?

Qua khảo sát số lượng tiêu thụ cam trên thị trường nội địa, quả cam Hàm Yên được bán tại các chợ trong tỉnh, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của địa phương và Hà Nội, các cửa hàng bán sản phẩm OCOP (one commune one product), hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như Big C, Vinmart&Vinmart+, Fivimart và Citimart, các sàn thương mại điện tử như Sen đỏ, Vỏ sò, PostMart.... Sản lượng cam Hàm Yên hằng năm đạt trung bình từ 70.000 – 80.000 tấn quả/năm. Sản lượng nông vụ năm 2021 – 2022 đạt 70.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với vụ năm trước. Mức giá bán tại vườn từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, cam hữu cơ có chỉ dẫn địa lý có giá từ 28.000-30.000 đồng/kg.

Quả cam có thể được nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm như tinh dầu cam, nước ép trái cây tươi, bã cam ép ủ làm phân hữu cơ, mùn sinh học. Hoa Cam cũng được dùng để chưng cất tinh dầu và nước chưng cất hoa Cam có thể dùng pha chế thuốc, mỹ phẩm (Hàm lượng vitamin C trong quả cam có tác dụng chống oxy hoá cao, tốt cho thành mạch máu và tốt cho sức khỏe, trẻ hóa làn da…). Với sản lượng và thành phần hóa, lý tính như trên, quả cam Hàm Yên có đủ tiêu chuẩn để khai thác, chế biến thành các chế phẩm phục vụ trong ngành y tế, hóa mỹ phẩm, nước giải khát.

Nguyễn Thanh Hiếu

 

[1] Số liệu từ nguồn Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Thanh Hiếu

Tin cùng chuyên mục