Phát triển hạ tầng thương mại: Cơ hội cho các nhà đầu tư

Thời gian qua, tỉnh ta đã và đang đầu tư nhiều dự án trọng điểm về thương mại, góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị, hình thành văn hóa tiêu dùng của người dân.

Theo Sở Công Thương, tỉnh ta có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại, như quỹ đất tại trung tâm thành phố, trung tâm huyện lỵ còn tương đối rộng, sức mua của người dân lớn và đã có thay đổi trong việc lựa chọn các điểm mua sắm. Trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, có nhiều dự án được đánh giá là khả thi và sẽ thu hút các nhà đầu tư, như dự án Trung tâm thương mại, siêu thị; các dự án xây dựng khách sạn... tại trung tâm các huyện và thành phố Tuyên Quang, các khu điểm du lịch.

Nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả cho hạ tầng thương mại, tỉnh ta đã thực hiện hàng loạt các giải pháp, cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả vào hạ tầng thương mại, thông qua việc ưu tiên dùng quỹ đất để quy hoạch và khuyến khích, huy động các nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, sử dụng đất thống nhất và cụ thể cho từng loại hình kết cấu hạ tầng thương mại; ưu tiên tạo điều kiện để các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh và các hợp tác xã thương mại, dịch vụ ở nông thôn đầu tư; có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích về vốn, tín dụng, thuế, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc nâng cao nhận thức cải thiện môi trường kinh doanh của các cấp trong tỉnh đã nâng cao hơn một bước khi tất cả các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).


Quang cảnh Siêu thị Tuyên Quang. 

Bằng những giải pháp quyết liệt, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực lớn để đầu tư vào hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Nhờ vậy, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện theo hướng văn minh, hiện đại. Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 94 chợ, trải đều ở 7 huyện, thành phố, trong đó chợ ở nông thôn chiếm 88,2%. Trong mạng lưới chợ có khoảng 6.000 hộ kinh doanh tham gia hoạt động, chiếm 45% số hộ hoạt động kinh doanh thương mại trong cả tỉnh; doanh số bán lẻ ước đạt khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội. 

Bên cạnh hệ thống chợ thì mô hình trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô, chất lượng theo hướng hiện đại hóa. Toàn tỉnh hiện có các siêu thị, trung tâm thương mại đi vào hoạt động, bao gồm: Siêu thị Tuyên Quang, Siêu thị Sách và Thiết bị trường học, Siêu thị điện máy Vũ Công, Siêu thị điện máy Hưng Hoa,... Trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và năng động, có đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước  như Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup... Dự án Vincom Shophouse Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup là dự án có quy mô lớn và đẳng cấp nhất Tuyên Quang tính đến thời điểm hiện tại. Dự án gồm Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang, nhà phố thương mại Shophouse, hồ điều hòa và hàng loạt các tiện ích như phố đi bộ mua sắm, sân chơi trẻ em, quảng trường và các điểm ngắm cảnh hồ, sân tổ chức sự kiện ngoài trời, sân chơi vọng cảnh hồ,... với tổng diện tích 4,2 ha trong đó riêng diện tích xây dựng Trung tâm Thương mại hơn 3.000 m2, nhà phố thương mại hơn 10.000 m2. Điều này đã khẳng định sự thành công của tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực thương mại, mang lại sự đổi mới về diện mạo, hình ảnh văn minh của hoạt động thương mại. Nhờ đó, năm 2016 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh ước đạt trên 12.175 tỷ đồng, tăng 6,87% so với năm 2015.

Mới đây, UBND tỉnh đã thông qua Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; mục tiêu là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và xây dựng, quảng bá thương hiệu một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo quy hoạch, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển 10 trung tâm thương mại hạng III, 22 siêu thị hạng III tại 6 huyện trên địa bàn, 2 siêu thị hạng II tại khu vực trung tâm hành chính, các khu công nghiệp, du lịch trên địa bàn tỉnh. Riêng tại khu vực thành phố Tuyên Quang và 2 huyện Nà Hang, Sơn Dương sẽ hình thành 5 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp. Đây là nền tảng quan trọng phát triển hạ tầng thương mại theo hướng ngày càng hiện đại với mục tiêu hiệu quả, bảo vệ môi trường và văn minh thương mại. 

Các giải pháp thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa thị trường trong tỉnh với các thị trường bên ngoài, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại... sẽ là động lực để tỉnh ta trở thành đầu mối tập trung các giao dịch buôn bán, giao thương hàng hóa của khu vực. 

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục