Chương trình cà phê doanh nhân: Kết nối chính quyền với doanh nghiệp

Chương trình cà phê doanh nhân trải qua chặng đường 5 năm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong việc kết nối chính quyền với doanh nghiệp. Chương trình góp phần thực hiện tốt việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng...

Đối thoại, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp

Năm 2016, nhận thấy tiềm năng để phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Tuyên Quang, Công ty cổ phần Hồ Toản đã xin chủ trương đầu tư xây dựng Trang trại bò sữa chất lượng cao tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Những ngày đầu triển khai dự án, công ty gặp không ít khó khăn trong thực hiện các thủ tục xin chủ trương đầu tư, quy hoạch nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và khu sản xuất. Tại Chương trình cà phê doanh nhân tháng 4 năm 2016, công ty đã trực tiếp kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và lãnh đạo huyện giải quyết những vướng mắc về giải quyết thủ tục hành chính cho dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của công ty. Có sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ 1 năm kể từ sau khi được cấp phép, dự án được hoàn thiện và 300 con bò sữa chất lượng cao đầu tiên đã được công ty đưa từ Úc về nuôi tại trang trại. Hiện nay, tại trang trại có gần 700 con, trong đó có trên một nửa đang cho vắt sữa với sản lượng sữa bình quân gần 29 lít/con/ngày.


Đại biểu doanh nghiệp phát biểu tại Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 4-2018.   
Ảnh: Đỗ Hùng 

Tuyến đường giao thông vào thôn Ninh Tân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) dài gần 3 km do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Thanh Hải đầu tư kinh phí để giải tỏa, mở rộng mặt đường và thực hiện bê tông hóa phục vụ giao thông đi lại cho người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường hoàn thành, một số người dân đã xây trụ ở 2 bên đường gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển vật liệu của công ty. Từ Chương trình cà phê doanh nhân, ý kiến kiến nghị của công ty được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đưa ra và sau một thời gian, những vướng mắc của doanh nghiệp và người dân địa phương được giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Chương trình cà phê doanh nhân đầu tiên được tổ chức ngày 5-7-2014 tại Grand Diamond Quảng Lợi, đến nay đã tổ chức 13 kỳ với nhiều chủ đề phong phú, nội dung khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tạo điều kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp một năm ít nhất 2 lần thông qua hình thức Hội nghị đối thoại và Chương trình cà phê doanh nhân hàng quý để trao đổi về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, giải quyết tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI, trong đó tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số trung bình và xếp hạng thấp. Đến nay đã có 3.000 lượt doanh nghiệp tham gia chương trình, đối thoại doanh nghiệp với 138 ý kiến đề nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đó đã giải quyết được 132 ý kiến. 

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Năm 2013, Tuyên Quang là tỉnh đứng cuối trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của cả nước nhưng đến năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Tuyên Quang đã vươn lên xếp ở vị trí 48/63 tỉnh, thành phố. Kết thúc năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng ở vị trí thứ 34 trên bảng xếp hạng, tăng 5 bậc so với năm 2017. Như vậy, chỉ sau 5 năm, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã tăng 29 bậc, đứng trong top khá của cả nước. Cùng với nhiều giải pháp mà tỉnh thực hiện, Chương trình cà phê doanh nhân đang là “kênh” quan trọng tháo gỡ “nút thắt” trong thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, những năm qua, tỉnh đã xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, công khai, minh bạch và cởi mở, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh để cùng phát triển. Việc tổ chức chương trình cà phê doanh nhân đã tạo sự gần gũi, thân thiện giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành. Từ chương trình, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước một cách quyết liệt và chương trình này đã tạo sự lan tỏa, làm thay đổi tư duy giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động thu hút đầu tư mà tỉnh đã quyết liệt thực hiện trong những năm qua. 

Năm 2015, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sáng kiến xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI). Đây là kênh quan trọng để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế về chất lượng điều hành của chính quyền các huyện, thành phố. Từ đó, mối liên hệ giữa cơ quan hành chính công với doanh nghiệp ngày càng cởi mở. Hoạt động đối thoại doanh nghiệp đã được triển khai tới cấp huyện, ngành  về lĩnh vực tư pháp, giao thông vận tải, thuế... Tỉnh đã nhìn nhận nghiêm túc thực trạng công tác điều hành và nền hành chính công vụ. Trên cơ sở đó, tổ chức giám sát chặt chẽ công tác giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa liên thông, đồng thời theo dõi,  đánh giá tiến độ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính của từng sở, ngành. Hàng tháng đều có kết quả cập nhật kịp thời về thời gian và tiến độ giải quyết làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, cán bộ, công chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Thực hiện tốt Chương trình cà phê doanh nhân đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, Tuyên Quang đã trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 263 dự án, với tổng số vốn trên 37 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8 dự án của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 184 triệu USD.    

Tin cùng chuyên mục