Nghị định 92/2021: Tiếp thêm “đề kháng” cho doanh nghiệp phục hồi

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ra đời được cho là giải pháp thiết thực, kịp thời, tiếp thêm “đề kháng” cho doanh nghiệp phục hồi…

Theo đó, nhằm quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP về hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Nghị định số 92/2021/NĐ-CP được cho là giải pháp tiếp thêm "đề kháng" cho doanh nghiệp phục hồi

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch thứ 4 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, đây là giải pháp thiết thực, kịp thời, tiếp thêm “đề kháng” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong tình hình mới.

Thực tế, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP sau khi được ban hành đã bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh; đồng thời đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính trong áp dụng chính sách.

Như khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 quy định: “Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp”.

Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, căn cứ Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP giao cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp. Đồng thời, Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quyết định miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế.

Nghị định số 92/2021/NĐ-CP cũng quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của người nộp thuế, cơ quan thuế ban hành Thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp đối với trường hợp thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp. Quyết định miễn tiền chậm nộp được gửi cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử và đăng công khai trên trang thông tin điện tử ngành thuế…

 

Những giải pháp của Nghị định số 92/2021/NĐ-CP được đánh giá là thiết thực, kịp thời

Không chỉ đánh giá cao về những cụ thể hóa Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 mà Nghị định số 92/2021/NĐ-CP mang lại, nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao tính thực chất, kịp thời của chính sách.

Thông tin với báo chí, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội - Võ Việt Dũng bày tỏ: “Nghị định ra đời rất kịp thời và ý nghĩa, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để phục hồi sản xuất. Trong lúc khó khăn này thì “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, đây là động lực để doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ và mở rộng thêm thị trường.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - Đặng Hồng Anh cũng cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trẻ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn phải tạm dừng sản xuất do dịch, nên rất cần các nguồn hỗ trợ khác nhau để từng bước duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đặng Hồng Anh, giảm miễn thuế là một biện pháp rất quan trọng, việc được miễn giảm thuế giúp cho doanh nghiệp tăng thêm “sức đề kháng”. Với dòng tiền được miễn giảm từ chính sách, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư vào cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa nguồn lực, thích nghi với điều kiện hiện tại và tương lai.

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm rà soát và có các văn bản hướng dẫn cụ thể càng sớm ngày nào càng có lợi cho đời sống của doanh nghiệp ngày đó”, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị.

Được biết, ngay khi chính sách được ban hành, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn đề nghị các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp hỗ trợ để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Thông tin với báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) - Lưu Đức Huy cho biết, hiện 63 Cục Thuế trên toàn quốc đang khẩn trương triển khai các công tác nghiệp vụ để chính sách này đến đúng đối tượng được thụ hưởng sớm nhất. Bên cạnh đó, các Cục thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và áp dụng chính sách miễn giảm thuế. Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn cụ thể cho các Cục thuế về lập hóa đơn về giá trị gia tăng kể từ 01/11/2021 để cho người tiêu dùng, người mua hàng thuộc đối tượng chính sách được giảm được biết.

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục