Sốt đất tràn qua, cơ hội có nhà của người thu nhập thấp càng hẹp dần

Giá đất bị thổi lên đỉnh điểm vì sốt đất, các giao dịch xoay quanh giới đầu tư. Người lao động, nhất là những công nhân xa quê ở các khu công nghiệp xung quanh mất dần cơ hội tiếp cận nhà đất vì mặt bằng giá quá tầm với.

Người thu nhập thấp khó mua nhà

10 năm sinh sống tại TPHCM, chị Nguyễn Thị Tuyết - nhân viên làm việc tại công ty may mặc ở KCN Tân Bình - cho biết phải thuê nhà trọ, chấp nhận nay đây mai đó. Bởi với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, dù cố gắng tiết kiệm nhưng ước mơ mua một căn hộ chung cư nhỏ, gần nơi làm việc của chị Phúc dường như ngày càng xa vời. Theo chị Phúc, giá căn hộ chung cư tại TPHCM ngày một tăng, trong khi mức thu nhập của đa số người lao động không thể theo kịp.

“Năm vừa rồi tôi có tìm một số dự án khu vực Quận 12 với mức giá bình dân. Lúc đó thì khoảng 1,8 tỉ đến 2,1 tỉ đồng một căn hộ hai phòng ngủ. Hiện tại, giá đã lên quá cao rồi, gần khu vực tôi ở đã không còn căn hộ phù hợp với túi tiền nữa. Việc mua căn hộ đã được xếp qua một bên và tôi tiếp tục ở trọ” - chị Tuyết chia sẻ.

Căn hộ thiết lập mặt bằng giá mới trong khi đó không dễ gì tìm mua được nhà ở xã hội. Với những người thu nhập thấp để hiện thực hóa giấc mơ an cư, họ cố gắng tìm mua đất cất nhà ở các huyện vùng ven. Tuy nhiên cơn sốt đất thời gian qua với những thông tin huyện nâng lên quận, thành phố đã khiến giấc mơ đó ngày càng xa tầm tay.

Vợ chồng anh Nguyễn Cường, công nhân làm tại khu chế xuất Tân Thuận cho biết vợ chồng anh quê Vĩnh Long, cũng dành dụm được chút tiền muốn tìm mua đất ở khu vực huyện Củ Chi. Tuy nhiên, thời gian qua tìm mãi vẫn khó mua. Đất dự án thì quá rủi ro vì sợ dự án ma. Trong khi đó, thời gian gần đây mặt bằng giá ở khu vực này bị đẩy lên khá cao sau khi có thông tin lên thành phố khiến người thu nhập thấp như vợ chồng anh càng khó tiếp cận.

Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn tại TPHCM - xu hướng sắp tới, các khu vực lân cận TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương sẽ phát triển nhà ở phân khúc trung cấp. Với mức tăng giá như hiện tại thì thị trường Bình Dương đang dần tiệm cận với mức giá sản phẩm ở khu vực vùng ven TPHCM. Như vậy, số lượng nhà ở giá thấp phù hợp với người có thu nhập trung bình sẽ ngày càng ít đi. Đơn cử như mặt bằng giá tại một số khu đô thị ở Bình Dương, tuy chưa phát triển nhưng giá bán thì cứ mỗi năm tăng giá theo cuộc chơi của cò đất.

"Tôi vào đây làm công nhân đã hơn 10 năm nhưng vẫn còn ở trọ. Tôi cũng muốn mua đất xây nhà, tuy nhiên giá đất tăng chóng mặt. Lương vợ chồng công nhân chỉ đủ trang trải cuộc sống. Chúng tôi cũng tính vay ngân hàng để mua, nhưng giá đất hiện nay thì trả nợ không nổi. Xa quê đã lâu, nhưng nếu không an cư được, vợ chồng tôi tính chuyện trở về quê, vì gần nhà cũng có nhiều công ty, xí nghiệp rồi"- anh Bùi Văn Biện (34 tuổi, quê Hòa Bình làm thợ may ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, Bình Dương) chia sẻ.

Giá đất tăng cơ hội an cư của người lao động càng khó

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, một trong những nguyên nhân khiến mặt bằng giá tăng trong đó có việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây. Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019 về khung giá đất, các địa phương đã ban hành bảng giá áp dụng cho giai đoạn 2020-2024.

Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15%-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước. Điều này trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến giá nhà, đất bởi đối với một dự án BĐS thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng, ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng Giám đốc quỹ DG Investment cho rằng với việc giá đất tăng cao sẽ làm Nhà nước khó triển khai các dự án hạ tầng có thu hồi đất, đặc biệt là quỹ đất để doanh nghiệp tạo dựng quỹ nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cho người thu nhập thấp.

Đáng quan ngại nữa là có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Ngoài ra, khi giá đất tăng cao, doanh nghiệp càng dễ thiên hơn về việc làm dự án thương mại để tăng lợi nhuận. Điều này làm cho giấc mơ có nhà của người thu nhập thấp, người lao động càng xa vời.

Ngoài ra, tình trạng "thổi" giá đất còn cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Bởi lẽ, giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, khi kinh tế trên địa bàn gặp khó khăn, khó phát triển thì giá đất cũng bị kéo giảm, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đã "xuống tiền" trước đó.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, hệ lụy từ những cơn sốt đất ở các vùng nông thôn là khiến giá đất tăng ảo tại khu vực đó, người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Thực tế này khiến không ít người có tiền là đi gom đất để dành, thay vì đầu tư cho khởi nghiệp, hùn hạp làm ăn. Những cơn sốt đất đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao càng khiến nhiều người ra trường, đi làm 5-10 năm không thể mua được nhà. Trong khi đó, ở nước ngoài, sinh viên ra trường đi làm chăm chỉ, có tích lũy trong khoảng thời gian tương tự đã có thể mua nhà, căn hộ.

VCCI

Tin cùng chuyên mục