Sẽ có làn sóng đầu tư quốc tế mới vào Việt Nam?

Môi trường đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng cải thiện và nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ đang được kỳ vọng sẽ đem lại làn sóng đầu tư quốc tế mới vào Việt Nam

Ba làn sóng đầu tư quốc tế trong lịch sử

Theo báo cáo của Cổng TTĐT thuộc Bộ Tài chính, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987) đến nay đã diễn ra ba làn sóng đầu tư quốc tế (FDI) tại Việt Nam.

Trong lịch sử, đã có ba làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam.

Từ năm 1991 đến năm 1997 đã diễn ra làn sóng FDI thứ nhất với vốn đăng ký 16,244 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong năm 1997, vốn FDI thực hiện đã đạt con số 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (328,8 triệu USD).

Tiếp sau làn sóng đầu tư FDI lần thứ nhất, đã có một thời kỳ suy thoái FDI trong giai đoạn 1998 - 2004 do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, nhưng sau đó là một làn sóng đầu tư mạnh mẽ khác diễn ra từ năm 2005. Mở đầu làn sóng đầu tư FDI lần thứ hai với vốn đăng ký 6,839 tỷ USD, vốn thực hiện 3,3 tỷ USD; các con số tương ứng của năm 2006 là 12 tỷ USD và 4,1 tỷ USD; năm 2007 là 21,34 tỷ USD và 8,13 tỷ USD; năm 2008 là 64 tỷ USD (đã được điều chỉnh) và 11,5 tỷ USD. Khoảng thời gian từ năm 2009 cho đến năm 2014, nguồn vốn FDI vào Việt Nam ở vào mức ổn định, không thay đổi nhiều so với thời kỳ 2005 - 2008, vốn thực hiện hàng năm đạt từ 11 đến 12 tỷ USD.

Làn sóng đầu tư FDI lần thứ ba tại Việt Nam đã có khởi đầu từ năm 2015 với thành quả rất ấn tượng. Vốn đăng ký là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5%, vốn thực hiện 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014. Trong đó, nhiều dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD đã được thực hiện, bao gồm dự án của Công ty Samsung Display Việt Nam được đăng ký năm 2014 có vốn đầu tư 1 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công các loại màn hình; Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 công suất 1.200 MW có vốn đầu tư 2,4 tỷ USD của Công ty Janakuasa Sdn. Bhd - Malaysia tại tỉnh Trà Vinh; Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương, thành phố Hồ Chí Minh có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái liên doanh với Denver Power Ltd (Anh); Dự án Nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper có vốn đầu tư 1 tỷ USD của Samoa tại Khu công nghiệp Bình Dương.

Trong khoảng thời gian đó, một số đại công trường đã được xây dựng và hoàn thành, tạo thêm năng lực nội sinh của đất nước điển hình như: Nhà máy điện tử gia dụng của Tập đoàn LG tại Hải Phòng với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, hai nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung với vốn đầu tư 7 tỷ USD tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, nhà máy sản xuất smartphone của Nokia - Microsoft với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, khu liên hợp hóa dầu của nhà đầu tư nhiều nước với vốn đầu tư trên 9 tỷ USD tại Thanh Hóa, khu liên hợp gang thép Formusa với vốn đầu tư trên 10 tỷ USD tại Hà Tĩnh, nhà máy điện tử gia dụng của Tập đoàn Samsung với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD tại thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói, với sự đóng góp của nguồn vốn FDI, từ một đất nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất của một số gã khổng lồ công nghệ trên thế giới, chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp như điện thoại di động, máy tính bảng và điện tử gia dụng.

Làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư?

Theo các chuyên gia phân tích và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiếp tục là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong thời gian tới. Đặc biệt, chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam có thể sẽ là đem đến một cơ hội, kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, tạo làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư.

Sẽ có làn sóng đầu tư quốc tế mới vào Việt Nam?

Vào tháng 9, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm của ông Biden cũng mang lại nhiều thương vụ kinh doanh quan trọng, trong đó có việc Vietnam Airlines ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 Max trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam, các doanh nghiệp của Mỹ đã tháp tùng và tìm hiểu việc đầu tư mở rộng tại Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẵn sàng bắt tay cùng các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ. FPT Software đã công bố hợp tác chiến lược với startup Landing AI của Mỹ, trong khi Synopsys, công ty chuyên về thiết kế bán dẫn, IP và giải pháp bảo mật phần mềm hàng đầu trong ngành, cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam trong phát triển lực lượng lao động.

Ngay sau những diễn biến của sự kiện này, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã có một chuyến công tác 6 ngày tới Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm trụ sở của gã khổng lồ sản xuất chip Nvidia, Thủ tướng đề xuất tập đoàn này thành lập nhà máy tại Việt Nam, định vị nước này là trung tâm ở Đông Nam Á. Thủ tướng còn có buổi thảo luận với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Bill Gates, Elon Musk.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Quan hệ Chính phủ

và Kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn SpaceX - Ảnh: VGP

Có thể nói, mục tiêu hiện tại của Việt Nam là chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Việc hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chuyên về chất bán dẫn và AI, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình lại bức tranh công nghiệp của đất nước.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam chỉ đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu nhìn vào số tiền khổng lồ mà các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ đã và đang đầu tư vào các quốc gia khác, người ta có thể thấy, con số trên còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai đất nước. Rõ ràng, vẫn còn phải cần thời gian để xem liệu làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư vào Việt Nam có thành hiện thực hay không.

Tin cùng chuyên mục