Chuẩn bị niên vụ ép mía 2022-2023

Để chuẩn bị cho niên vụ ép mía 2022 - 2023, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa máy móc, người trồng mía ở các địa phương tích cực chăm sóc mía giai đoạn phát triển vươn lóng. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện các loại sâu bệnh hại cần các biện pháp phòng trừ.

Niên vụ mía 2022 - 2023 người trồng mía đặt nhiều kỳ vọng vì Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã cam kết tăng giá thu mua mía nguyên liệu từ 950 đồng/kg lên 1.000 đồng/kg. Cùng với các chính sách mới hỗ trợ người trồng mía nên người trồng mía tích cực bám đồng chăm sóc mía.

Cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hướng dẫn người dân xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chăm sóc mía.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, thôn Tân Thượng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ: “Vài năm gần đây nhiều hộ trong thôn bỏ mía để trồng các cây khác nhưng gia đình tôi vẫn duy trì trồng mía. Với  4,7 ha mía niên vụ 2021 - 2022 gia đình thu gần 300 tấn, sau khi trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng, so với các cây trồng khác thì cây mía cho thu nhập cao, nếu nhà máy còn thu mua thì gia đình tôi sẽ vẫn trồng mía”. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, niên vụ 2022 - 2023 gia đình ông Sơn trồng thêm 1 ha mía, nâng diện tích mía của gia đình lên gần 6 ha. Với diện tích trồng mới, ông được công ty hỗ trợ 3 triệu đồng theo chính sách mới của công ty. Ngoài ra giống, vật tư phân bón, làm đất gia đình được công ty hỗ trợ theo hình thức trả chậm không tính lãi.

Nghỉ tay bóc bẹ mía, bà Nguyễn Thị Yên, thôn Trấn Kiêng, xã Phú Lương (Sơn Dương) cho biết, mía đang giai đoạn vươn lóng nên gia đình bà tập trung nhân lực bóc bẹ lá khô để cây mía phát triển tốt cho năng suất cao. Tuy nhiên, trên diện tích mía đã bắt đầu xuất hiện rệp xơ bông trắng, ngay khi bóc bẹ, thu dọn lá mía xong gia đình bà sẽ tiến hành phun trừ. Bà Yên chia sẻ, cũng từ trồng mía mà gia đình có nguồn thu ổn định, vươn lên thoát nghèo, gia đình bà trồng 1 ha mía, mỗi năm thu bình quân 85 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng.

Niên vụ 2021-2022, toàn vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương còn gần 1.700 ha, trong đó, thực hiện trồng mới 289 ha. Huyện Sơn Dương có quy mô lớn nhất với 1.083,7 ha, Hàm Yên 162,3 ha, Chiêm Hóa 124,2 ha, Lâm Bình 191,8 ha, Yên Sơn 138 ha.

Ông Trương Văn Thư, Phó Phòng nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, hiện nay, cây mía đang trong giai đoạn phát triển vươn lóng. Đây là thời điểm thích hợp để bà con chăm sóc. Người dân cần đầu tư chăm sóc hợp lý, đồng thời theo dõi sâu bệnh trên cây mía để kịp thời phòng trừ sâu bệnh, giúp cây mía tăng năng suất, chất lượng, mang lại lợi nhuận cho người trồng mía.

Với phương châm “Đồng hành cùng bà con nông dân trồng mía” trong bối cảnh ngành đường Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự ảnh hưởng của việc hội nhập thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tháng 11-2021, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã ban hành chính sách thu mua mía nguyên liệu đến năm 2025. Theo đó, niên vụ 2022 - 2023 mía xô công ty mua tại ruộng với giá 1.000 đồng/kg, mía giống (ngọn mía) là 1.130 đồng/kg và cam kết thanh toán tiền cho người dân trong 30 ngày sau khi thu hoạch. Trước bối cảnh khó khăn chung của ngành đường, việc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đưa ra mức giá thu mua như trên cũng đã thể hiện được sự chia sẻ, đồng hành của công ty cùng người trồng mía trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

 Để khắc phục khó khăn về lao động, năm nay công ty đã chuẩn bị máy bốc mía cùng hơn 200 xe vận chuyển mía nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những khu vực có cánh đồng lớn, giúp giảm chi phí thu hoạch, tăng lợi nhuận sản xuất mía cho người nông dân.

Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cho những năm tiếp theo được công ty ban hành. Cụ thể về hỗ trợ vật tư, phân bón, làm đất, giống, vẫn được công ty duy trì. Ngoài ra công ty sẽ hỗ trợ chuyển đổi các diện tích cây hàng năm khác sang trồng mía với mức 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang trồng mía với mức 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng lại 3 triệu đồng/ha. Các giống mía mới năng suất, chất lượng cao như KK3, LK... cũng được công ty hỗ trợ để người dân thay thế các giống mía cũ.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, công ty sẽ thực hiện thu mua và ép mía tại nhà máy đóng trên địa bàn huyện Sơn Dương. Hiện công ty đã hoàn thành 50% khối lượng công việc sửa chữa, bảo dưỡng máy móc trước vụ ép. Với diện tích mía hiện có, năm nay công ty phấn đấu sản lượng mía nguyên liệu về nhà máy đạt từ 85.000 - 90.000 tấn. Theo ông Dũng, năm vừa qua giá đường đã tăng, không có sản phẩm đường tồn kho. Tuy nhiên thách thức đối với vùng nguyên liệu của công ty khi những năm gần đây xảy ra hiện tượng “tranh mua, tranh bán”. Một số tư thương tại các tỉnh khác thu mua mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy, cùng với đó, một số cơ sở làm mật mía trên địa bàn huyện Chiêm Hóa cũng thu mua mía nguyên liệu. Một số người dân vì lợi trước mắt đã phá vỡ hợp đồng liên kết với công ty. Tính riêng niên vụ 2021 - 2022 công ty đã thiếu hụt 100 tấn mía nguyên liệu. Hiện công ty đang phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân giữ mối liên kết với công ty.

Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương bắt đầu ép mía vào giữa tháng 12 - 2022. Với chính sách thu mua và đầu tư đã được ban hành, cùng với sự đồng hành của người trồng mía, hy vọng vụ mía 2022 - 2023 sẽ mang lại lợi nhuận cho người dân và công ty, để ngành mía đường của tỉnh từng bước vượt qua khó khăn.

Theo TQĐT

Baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục