Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng

Tuyên Quang đã hình thành chuỗi sản xuất lâm nghiệp khép kín, từ sản xuất cây giống, trồng rừng và chế biến lâm sản. Đây là chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa cơ sở sản xuất với người trồng rừng, là tiền đề quan trọng để tỉnh ta thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của cả nước.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Cùng với việc mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, Tuyên Quang đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án vào lĩnh vực chế biến lâm sản, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị, các buổi làm việc xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này. Nhờ đó, đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Woodsland Việt Nam và nhiều dự án chế biến lâm sản khác được triển khai ở khắp các huyện, thành phố.

Tập đoàn Geleximco Việt Nam đã đầu tư Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa tại khu công nghiệp Long Bình An từ năm 2012, góp phần quan trọng tạo bước phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã đầu tư xây dựng dây chuyền bột giấy có công suất 130.000 tấn/năm, với công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF), hệ thống thiết bị hiện đại của Thụy Điển và Phần Lan sản xuất. Sản phẩm bột giấy An Hòa đã được các đơn vị sản xuất giấy hàng đầu tại Việt Nam sử dụng thường xuyên và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Công ty còn đầu tư dây chuyền sản xuất giấy cao cấp có công suất 140.000 tấn/năm đáp ứng phần lớn nhu cầu giấy tráng phấn trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa nhấn mạnh, điểm khác biệt của Tuyên Quang không chỉ tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng mà tỉnh còn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển không ngừng. Có nhiều giai đoạn công ty rất khó khăn do thiếu nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc, hỗ trợ công ty xây dựng các trạm thu mua nguyên liệu, giảm sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các tư thương, do đó công ty đã có nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất các sản phẩm, ổn định việc làm cho 800 lao động với thu nhập đến nay đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm công ty doanh thu trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước bình quân mỗi năm trên 120 tỷ đồng. Công ty đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150 tấn/năm sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 300 lao động. Đây là nỗ lực lớn của công ty trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu nhưng công ty vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

 Công nhân Công ty cổ phần Thương mại sản xuất xuất khẩu Phúc Lâm (Chiêm Hóa) đóng gói
sản phẩm đũa gỗ xuất khẩu.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã đầu tư 4 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu theo đơn đặt hàng của Mỹ và các nước châu Âu, tạo việc làm cho trên 2.200 lao động địa phương. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT Công ty nhấn mạnh, Tuyên Quang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu, chất lượng rừng trồng bảo đảm nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, tiếp cận hiệu quả quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC. Công ty luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, điều này giúp công ty và người lao động thực sự yên tâm lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất thêm 30 ha để xây dựng các nhà máy, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Cùng với hoạt động hiệu quả của các nhà máy quy mô lớn, trên địa bàn tỉnh đã hình thành khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ của các công ty, hợp tác xã, hộ gia đình, đóng góp tích cực vào việc tiêu thụ gỗ rừng trồng cho người dân, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn cho rằng, phát triển rừng nguyên liệu là hướng đi hiệu quả nhất giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Huyện tạo điều kiện tốt nhất để các công ty, nhà máy mở rộng quy mô sản xuất. Trong thời gian tới, huyện làm tốt giải phóng mặt bằng để Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang mở rộng quy mô đầu tư thêm các nhà máy góp phần tiêu thụ gỗ rừng trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hoạt động của các nhà máy chế biến gỗ tạo việc làm cho hàng vạn lao động (cả lao động gián tiếp). Chị Hà Thị Thùy ở xóm 4, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, chị làm việc tại Nhà máy Yên Sơn với mức lương dao động từ 5 đến 7 triệu đồng theo sản phẩm. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công ty vẫn bảo đảm việc làm cho người lao động, khiến chị và anh em công nhân rất yên tâm và phấn khởi. Có việc làm ổn định, cuộc sống của gia đình chị đã khá dần lên, không phải lo lắng tìm kiếm việc làm như trước nữa.

 Thu hút đầu tư phát triển các nhà máy chế biến lâm sản đã xây dựng được chuỗi giá trị bền vững, gắn kết người dân với rừng, thực hiện hiệu quả phát triển nền kinh tế xanh, vì môi trường sống an toàn của con người. Đây là mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới đã được Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra và được Chính phủ cụ thể hóa bằng việc phát động trồng 1 tỷ cây xanh trong cả nước.   

Baotuyenquang

Tin cùng chuyên mục