6 nhóm chính sách xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, với 6 nhóm chính sách…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, 6 nhóm chính sách đề xuất gồm: chính sách về việc lập phương hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch vùng, và phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh; quy định điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thành lập khu kinh tế; ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu kinh tế tại địa bàn điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành, cụm liên kết ngành tại khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách thúc đẩy sự phát triển của loại hình khu công nghiệp mới, khu kinh tế mới, khu chức năng mới trong khu kinh tế; ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ; quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng cơ hội và thách thức rất khác biệt so giai đoạn trước. Cạnh tranh giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư ngày càng gia tăng; dư địa để cơ quan quản lý điều tiết hoạt động hiệu quả của khu công nghiệp, khu kinh tế cũng còn hiện hữu. Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần đổi mới mạnh mẽ, nhằm thích ứng với bối cảnh thế giới lẫn trong nước, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế, việc xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết giúp hoàn thiện thể chế và pháp luật liên quan, tạo khung pháp lý thống nhất cho môi trường đầu tư kinh doanh thêm thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 407 khu công nghiệp thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha. Trong đó, 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 khu công nghiệp đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 khu kinh tế ven biển thành lập tại 17 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Ngoài ra, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế 212 tỷ USD.

Mặt khác, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến nay luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước; giai đoạn 2011-2015 đóng góp 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong nước (không kể dầu thô); giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%. Không những thế, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động cả nước.

Tin cùng chuyên mục