TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 TIẾP TỤC XU HƯỚNG PHỤC HỒI, KINH TẾ VĨ MÔ ỔN ĐỊNH

(MPI) – Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023 được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại họp báo sáng ngày 29/12/2023, tình hình kinh tế – xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương phát biểu. Ảnh: MPI

GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước

Thông tin tại Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%. Về sử dụng GDP quý IV/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,21%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%.

GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng trưởng tích cực, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp quý IV/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý III/2023, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước.

Toàn cảnh Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023. Ảnh: MPI

Điểm sáng trong thành lập doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 đạt 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022; 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy: Có 69,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và ổn định so với quý III/2023 và 30,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Năm 2023, cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.521,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.052,6 nghìn lao động, tăng 7,2% về số doanh nghiệp, giảm 4,4% về vốn đăng ký và tăng 7,3% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của hơn 46 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn là 2.036,6 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%. Bên cạnh đó, còn có 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022, mức tăng này cải thiện hơn so với mức tăng 5,8% của 9 tháng, cho thấy trong quý IV/2023 việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư đạt kết quả cao hơn các quý đầu năm. Trong đó, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 21,2% so với năm trước, phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước (quý IV/2023 ước đạt 1.164,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 953,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng vốn và tăng 14,6%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,1% và tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 550,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,1% và tăng 5,4%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.349 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 4,05 tỷ USD và 2.102 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,49 tỷ USD.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2023 có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 282,7 triệu USD, giảm 33,7% so với năm trước; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 138,2 triệu USD, gấp 1,3 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 420,9 triệu USD, giảm 21,2% so với năm trước.

Năm 2023, các tổ chức tín dụng đã thực hiện chính sách tín dụng an toàn, lành mạnh, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường chứng khoán diễn biến đa chiều trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp nhưng vẫn là kênh huy động vốn tích cực cho nền kinh tế, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 10,8% so với cuối năm 2022.

Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước giảm 5,4% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 10,9% so với năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với năm trước.

Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%. Trong năm 2023 có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%).

CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Theo báo cáo, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,05%, mặc dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng ổn định, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang năm 2024, kinh tế – xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước.

Do đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ như chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024; đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung đồng thời với tăng cường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm đầu ra./.

Theo Cổng thông tin XTĐT phía Nam

Tin cùng chuyên mục