Tuyên Quang bứt phá để thành công

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang từ vị trí cuối bảng những năm trước đây, đến năm 2019 đã bứt phá lên 29 bậc, đứng thứ 34 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để có được kết quả bứt phá từ những con số ấn tượng như trên là do sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, những người đứng đầu của tỉnh, xuất phát từ nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số (PCI) đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nhằm nâng cao chỉ số thành phần thấp hạng, phát huy các chỉ số thành phần có thứ hạng cao.

Kết quả đạt được về chỉ số (PCI) là động lực để tỉnh có thêm nhiều nỗ lực, tạo bước đột phá trong công tác thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, các cơ chế điều hành thông thoáng, nhanh chóng và kịp thời để cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Tuyên Quang đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội, dự án đầu tư cụ thể,… nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Vì vậy, trong những năm qua, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khuyến khích.

Tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp. Cụ thể là: Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, Tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Đề án Phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;…

Ngoài những chính sách của tỉnh thì lợi thế mà Tuyên Quang đang có được để thu hút đầu tư là do Tuyên Quang có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm liên kết vùng, nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, có hệ thống giao thông thuận tiện với các tuyến giao thông huyết mạch, chiến lược của cả nước đi qua. Đường bộ từ Tuyên Quang đi Hà Nội: Theo tuyến Quốc lộ 2 (160 km), đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (145 km), Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C (140 km). Thành phố Tuyên Quang cách sân bay Nội Bài 120km, cảng Hải Phòng 260 km, cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang 170 km, cửa khẩu quốc tế Lào Cai 207 km, cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn 220 km, cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh 420 km. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuyên Quang có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn (diện tích đất sản xuất nông nghiệp 95.095 ha, diện tích đất lâm nghiệp 446.758 ha).Cộng với nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, Tuyên Quang đã trở thành điểm đến du lịch được du khách trong nước và nước ngoài yêu thích. Tuyên Quang có 546 điểm di tích lịch sử, văn hóa; có nguồn suối khoáng nóng Mỹ Lâm nổi tiếng về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng với nhiệt độ 690C; đang xây dựng khu di sản thiên nhiên thế giới Lâm Bình, Na Hang.

Tỉnh có nguồn nhân lực khá dồi dào, có xu hướng tăng dần qua các năm và đang trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 54,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 33,8%; trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, các huyện, thành phố có cơ sở Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với quy mô tuyển sinh trên 14.500 học sinh/năm; việc đào tạo nghề, đào tạo chuyên sâu đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng. Điều này tạo cho tỉnh có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, cũng như quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu ngành và phát triển kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh, trong thời gian tới, Tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới đề ra để đảm bảo đúng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để thực hiện mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các kế hoạch của tỉnh đã ban hành để thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh; chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, nhất là các thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm,...; định kỳ tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin, xử lý phản ánh của doanh nghiệp thông qua đường dây nóng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh,... thể hiện tính năng động, nỗ lực đột phá của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

 

 

Đặc biệt, năm nay cả nước đang phải đối mặt với dịch bệnh do Covid-19 gây ra, chúng ta cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng. Trước tình hình hiện nay như vậy, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đặc biệt là thực hiện phương thức xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Tỉnh Tuyên Quang luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh cam kết phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; cuộc sống an toàn, lành mạnh cho doanh nhân.

Thông điệp mà chính quyền tỉnh gửi tới các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh đó là: Đầu tư phát triển cho tỉnh Tuyên Quang cũng là phát triển và làm giàu cho doanh nghiệp.

Hiền Lan - XTTH

Tin cùng chuyên mục