Phiếu đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước: Góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Trước những thách thức về cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, Ban Chỉ đạo PCI cùng cộng đồng doanh nghiệp đã tổ chức lấy phiếu đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi giải quyết công việc liên quan đến huyện, thành phố và các sở, ngành tỉnh. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện.

Việc lấy phiếu đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi giải quyết công việc liên quan đến huyện, thành phố và các sở, ngành được tiến hành khảo sát theo 3 tiêu chí lớn, gồm: Tiêu chí minh bạch thông tin; thái độ giải quyết công việc với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; tính tinh thông nghiệp vụ, thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính.


Đại biểu các doanh nghiệp tham dự Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 10-2015.

Các doanh nghiệp khi được khảo sát sẽ đánh giá về tính công khai của các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, sự dễ dàng khi tiếp cận thông tin; sự tích cực, nhiệt tình thân thiện hoặc tiêu cực, thờ ơ, vô cảm của cán bộ giải quyết. Đã có 100% các sở, ngành, huyện, thành phố được tiến hành khảo sát. Kết quả, Sở Thông tin và Truyền thông đạt tổng điểm cao nhất (50,08/60 điểm) so với các sở ngành; Sở Giao thông vận tải đạt kết quả thấp nhất (42,3/60 điểm). Đối với các huyện, thành phố, thì huyện Chiêm Hóa đạt tổng điểm cao nhất (48,85/60 điểm), huyện Lâm Bình có tổng điểm thấp nhất (33,76/60 điểm).

Từ trước đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn được phát triển theo chiều từ trung ương - tỉnh - huyện. Tuy nhiên, thực tế khi xuống tới cấp huyện, tinh thần cải cách khó duy trì được như mong muốn, bởi vấp phải những rào cản về cơ chế, thủ tục, khoảng cách đi lại, tính đặc thù của từng vùng miền và đặc biệt là động lực thúc đẩy các cán bộ ở cấp này. Thực tế, nhiều dự án ở tầm vĩ mô và thỏa thuận mang tính nguyên tắc đầu tư thì được triển khai rất nhanh nhưng khi xuống cấp phòng, ban các sở, ngành hoặc xuống cấp huyện thì gặp vô vàn vướng mắc, rào cản. Cũng có nguyên nhân mang tính chủ quan nhưng cũng có những nguyên nhân hết sức khách quan vì khoảng cách giữa huyện, nhất là các huyện miền núi xa trung tâm, không ít doanh nghiệp, để gặp và làm việc chính thức với lãnh đạo huyện là không đơn giản.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng, quá trình thực hiện khảo sát, đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp đã được Ban chỉ đạo PCI, lãnh đạo các sở ngành, các huyện, thành phố hết sức ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Điều này cho thấy tinh thần cũng như trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành tỉnh về nỗ lực cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, đồng thời thể hiện mong muốn có được những đánh giá cụ thể để có những giải pháp hoàn thiện hơn phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Điều này tạo cho doanh nghiệp có những cảm nhận tích cực hơn, có thêm sự đồng thuận giữa doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Cách làm này vừa tạo kênh thông tin phục vụ cho công tác quản lý, tạo động lực phấn đấu cạnh tranh giữa các huyện, thành phố, các sở, ngành, vừa là môi trường để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở từng địa phương trong tỉnh, tạo sự đồng nhất trong tư duy, sự cộng hưởng trong quá trình thực hiện để phát triển chỉ số cạnh tranh chung của tỉnh. Quá trình khảo sát và số điểm đánh giá đã phần nào phản ánh suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sở, ngành, huyện, thành phố nhằm hướng đến tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, sự phân cấp trong quản lý sẽ chỉ ra những mặt hạn chế và nhấn mạnh chính quyền cấp huyện cần làm gì để cải cách nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đồng thời hệ thống cơ quan cấp huyện có thể nắm được công cụ để sử dụng và thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, cách thức cung cấp dịch vụ công cho các doanh nghiệp. Đặc biệt việc đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp sẽ là một công cụ hữu hiệu cho việc hoạch định chính sách vĩ mô, góp phần tăng thêm động lực cải cách và đổi mới cho đội ngũ lãnh đạo huyện, thành phố, các sở, ngành nhằm đáp ứng kịp nhu cầu kinh doanh chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của các sở, ngành, cấp chính quyền, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần đưa ra các kiến nghị đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong việc chủ động cập nhật, tìm hiểu các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó tự trang bị cho mình kiến thức về pháp luật, phục vụ chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chủ động và kịp thời kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về những bất cập trong các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để cơ quan quản lý có biện pháp xử lý, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Đồng thời phản ánh các hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, hạch sách của cán bộ công chức khi giải quyết công việc trực tiếp đến người quản lý; kiên quyết không bao che, tiếp tay cho những hành vi gây khó khăn đó.

Việc đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước đang cho thấy một cam kết rất cụ thể của các cấp, các ngành trong việc tạo những điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh lành mạnh, một nơi mà doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa trong việc đầu tư, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục