Nâng hạng Chỉ số PCI: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

- Xác định nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên tỉnh luôn quan tâm cải thiện chỉ số này. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết với giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng điểm từng chỉ số thành phần, nhất là những chỉ số đạt thấp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Tỉnh xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, vì vậy những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Điển hình thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 15/2022/NĐ-HĐND ngày 03/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh (hỗ trợ 1 con dấu pháp nhân, 1 chữ ký sử dụng trong 3 năm đầu tiên sau khi thành lập) cho 75 doanh nghiệp, với số tiền 292,5 triệu đồng. Cùng với đó, hằng năm UBND tỉnh đều tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ qua chương trình khuyến công...

Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc sản xuất kinh doanh. Tại hội nghị các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất những khó khăn để UBND tỉnh và các ngành có giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG cho biết, doanh nghiệp rất cần sự lắng nghe, thấu hiểu của UBND tỉnh, các ngành trong giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp.

Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp của UBND tỉnh năm 2023.

Bên cạnh những hỗ trợ về thành lập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thì hiện nay, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện với 5 nội dung chính là: Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ doanh nghiệp; tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức; giải đáp pháp luật bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, điện thoại hoặc tư vấn trực tiếp; tiếp nhận kiến nghị và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 3 cuộc khảo sát khó khăn, vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ pháp lý đối với 800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, Sở tổ chức 6 hội nghị, đối thoại, tọa đàm, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh cho gần 500 lượt đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Anh Vương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây Dựng và Thương mại Đại Phát cho biết, ngay từ khi thành lập, Công ty đã đặc biệt quan tâm đến những vấn đề về pháp lý để tránh rủi ro sau này. Sở Tư pháp là đơn vị luôn sẵn sàng cung cấp cho Công ty những kiến thức pháp luật. Ngoài ra Công ty hợp đồng với Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ doanh nghiệp thẩm định lại các hợp đồng kinh tế và tư vấn hỗ trợ xây dựng các bản hợp đồng. Qua đó đã giúp lãnh đạo Công ty tự tin, tránh được những sai sót có rủi ro về pháp lý mỗi khi thực hiện việc ký kết các hợp đồng kinh tế.

Thực hiện các giải pháp cụ thể

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tháng 4-2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh đạt 62,86 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố; giảm 23 bậc so với năm 2021 và nằm trong số các tỉnh có điểm số thấp của cả nước. Kết quả này một lần nữa yêu cầu tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thực hiện minh bạch thông tin, cải cách hành chính, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tất cả 10 chỉ số thành phần PCI năm 2023 của tỉnh phải có sự cải thiện so với năm 2022. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp cụ thể đối với các chỉ số bị giảm điểm như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, chi phí thời gian, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai...

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số của tỉnh cần bài bản hơn; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp theo tinh thần “vướng đâu gỡ đó”. Thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh, gọn hơn, linh hoạt thực hiện tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh  nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 10-7 rằng: Những việc nằm trong quy định có khả năng giải quyết được, các sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng thực hiện kịp thời. Tổ chức quán triệt các công điện của Thủ tướng Chính phủ về rà soát và xử lý kịp thời các phản ánh của doanh nghiệp, người dân về các hành vi nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh cũng công khai các thủ tục, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh số hóa các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực chất và hiệu quả. Định kỳ hàng quý sẽ họp Ban Chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn tồn tại, mục tiêu là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. 

Cùng với giải pháp trên, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, UBND tỉnh yêu cầu  người đứng đầu các sở, ngành, địa phương không hô khẩu hiệu mà cần có hành động cụ thể, nói đi đôi với làm; nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp khi có yêu cầu để bảo đảm tính minh bạch. Sở, ban, ngành, địa phương nào thực hiện không tốt các chỉ số thành phần, làm ảnh hưởng đến Chỉ số PCI, tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Kỳ vọng các giải pháp cụ thể được triển khai cùng với sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp, Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ được cải thiện rõ rệt, tạo ra môi trường tốt thu hút đầu tư vào tỉnh.

Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục