Cải cách thể chế tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển

Đó là thông tin tại Diễn đàn Phát triển kinh doanh: "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/7.

Chịu tác động mạnh

Tại Diễn đàn, các chuyên gia nhận định, Việt Nam chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm…

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do đó, vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế và doanh nghiệp cần được quan tâm.

Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải phối hợp theo quy định pháp luật và tạo ra sức mạnh tổng lực để giúp các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, nhiều chính sách, giải pháp trọng tâm đề ra hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Trong bất kỳ khủng hoảng nào,  giai đoạn khó khăn nhất có thể nảy sinh những ý tưởng, không gian phát triển mới dành cho những doanh nghiệp biết tận dụng. 

Kỹ thuật điều khiển Rô bốt tại Công ty CP Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Kỹ thuật điều khiển Rô bốt tại Công ty CP Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhân lực chất lượng cao là nền tảng cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và năng động nhưng đang gặp khó khăn trong việc thiếu kỹ năng cho chuyên môn sâu. Do đó, cần có sự hỗ trợ, kinh phí đầu tư công nghệ để đồng bộ và vận hành hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển…Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Công nghệ CMC, Tổng Giám đốc CMS

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cho rằng, những khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang đương đầu đó là sự sụt giảm đơn hàng, xu hướng việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt…

Bất cập từ nội tại nền kinh tế khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn đó là thể chế, chính sách, các điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước.

 

 

 

Ba điểm nhấn cần tháo gỡ

Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho rằng, tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội. Đó là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách.

"Chính phủ luôn coi nhiệm vụ hàng đầu là phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp. Do đó đề nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục kiến nghị về các cơ chế chính sách,  đề cần tháo gỡ và hoạt động đổi mới chính sách” - ông Nguyễn Hồng Long khẳng định.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Cải cách thể chế thậm chí còn quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn, không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh. Công điện 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: Khắc Kiên
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: Khắc Kiên

Để thực hiện hiệu quả, ông Phan Đức Hiếu đưa ra 3 đề xuất. 

Thứ nhất, tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp tuân thủ quy định…

Thứ hai, trong khó khăn, doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Nên nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. 

Thứ ba, về lâu dài nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nhiều nước đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Với Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên.

 

theo Kinh tế đô thị Online

Tin cùng chuyên mục